banner

Tư vấn thủ tục nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài theo pháp luật hiện hành

Nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài là một phạm trù được quy định trong luật Hôn nhân và gia đình, nhưng không hẳn ai cũng biết về trình tự, thủ tục thực hiện điều này. Sau đây công ty Luật FBLAW xin được giới thiệu đến quý bạn đọc quy định của pháp luật hiện hành về thủ tục nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài.

Luật nuôi con nuôi 2010 quy định cụ thể về hồ sơ, thủ tục, thời hạn giải quyết, cách thức thực hiện, lệ phí trong trường hợp nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài.

Tư vấn thủ tục nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài theo pháp luật hiện hành
Tư vấn thủ tục nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài tại Nghệ An

Hồ sơ nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài

  • Hồ sơ của người nhận con nuôi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi phải có các giấy tờ, tài liệu sau đây:

a) Đơn xin nhận con nuôi;

b) Bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

c) Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam;

d) Bản điều tra về tâm lý, gia đình;

đ) Văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe;

e) Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản;

g) Phiếu lý lịch tư pháp;

h) Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

i) Tài liệu chứng minh thuộc trường hợp được xin đích danh quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật nuôi con nuôi 2010

  • Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi nước ngoài gồm có:

a) Các giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này;

b) Văn bản về đặc điểm, sở thích, thói quen đáng lưu ý của trẻ em;

c) Tài liệu chứng minh đã thực hiện việc tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em theo quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật này nhưng không thành.

Thủ tục nhận con nuôi nước ngoài

Bước 1: Nạp hồ sơ

Người nhận con nuôi nộp hồ sơ của mình và của người được nhận làm con nuôi cho Cục Con nuôi.

Bước 2: Kiểm tra, thẩm định hồ sơ

– Cục Con nuôi kiểm tra, thẩm định hồ sơ.

– Trường hợp chấp thuận hồ sơ, Cục Con nuôi chuyển hồ sơ của người nhận con nuôi về Sở Tư pháp, đề nghị Sở Tư pháp kiểm tra hồ sơ của trẻ em, lấy ý kiến của những người có liên quan, xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài. Trường hợp không chấp thuận, Cục Con nuôi trả lại hồ sơ và nêu rõ lý do bằng văn bản.

Bước 3: Đăng kí nhận con nuôi

– Cục Con nuôi kiểm tra kết quả giải quyết việc nuôi con nuôi theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 28 của Luật nuôi con nuôi.

Nếu trẻ em có đủ điều kiện để cho làm con nuôi ở nước ngoài, việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi bảo đảm đúng trình tự, thủ tục quy định và đáp ứng lợi ích tốt nhất của trẻ em, thì Cục Con nuôi thông báo bằng văn bản cho người nhận con nuôi, Cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi của nước ngoài hữu quan kèm theo báo cáo đánh giá về trẻ em đủ điều kiện cho làm con nuôi ở nước ngoài và văn bản lấy ý kiến của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ và ý kiến của trẻ em từ đủ chín tuổi trở lên về việc đồng ý cho trẻ em làm con nuôi.

Trường hợp trẻ em không đủ điều kiện để cho làm con nuôi, việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi không bảo đảm đúng trình tự, thủ tục quy định và không đáp ứng lợi ích tốt nhất của trẻ em, thì Cục Con nuôi thông báo cho Sở Tư pháp.

– Sau khi nhận được văn bản đồng ý của người nhận con nuôi, Cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi của nước ngoài hữu quan, Cục Con nuôi thông báo cho Sở Tư pháp, đề nghị Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

– Sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp thông báo cho người nhận con nuôi đến Việt Nam để nhận con nuôi.

– Sở Tư pháp đăng ký việc nuôi con nuôi và tổ chức lễ giao nhận con nuôi. Tại lễ giao nhận con nuôi, Sở Tư pháp giao cho cha, mẹ nuôi 01 bộ hồ sơ trẻ em, văn bản lấy ý kiến của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ và ý kiến của trẻ em từ đủ chín tuổi trở lên về việc đồng ý cho trẻ em làm con nuôi.

– Bộ Tư pháp cấp Giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi nước ngoài, nếu có yêu cầu.

Cách thức thực hiện

Nộp hồ sơ trực tiếp, hoặc ủy quyền bằng văn bản cho người có quan hệ họ hàng, thân thích thường trú tại Việt Nam nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi hoặc gửi cho Cục Con nuôi qua đường bưu điện theo hình thức bảo đảm.

Thời hạn giải quyết

– Thời gian Cục Con nuôi thẩm định hồ sơ của người nhận con nuôi: 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, hồ sơ đã được nộp lệ phí theo quy định.

– Thời gian Cục Con nuôi kiểm tra kết quả giải quyết việc nuôi con nuôi theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 28: 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả giải quyết việc nuôi con nuôi của Sở Tư pháp.

– Thời gian Cục Con nuôi thông báo cho Sở Tư pháp: 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú thông báo về sự đồng ý của người nhận con nuôi đối với trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi, xác nhận trẻ em được nhập cảnh và thường trú tại nước mà trẻ em được nhận làm con nuôi.

– Thời gian Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài: 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tư pháp trình.

Lê phí

Chuyển khoản hoặc nộp trực tiếp tại Kho bạc nhà nước Ba Đình
Nộp sau khi Cục Con nuôi tiếp nhận và cấp mã số hồ sơ của người nhận con nuôi.

4.500.000đ/trường hợp (được giảm 50% lệ phí đăng ký việc nuôi con nuôi). Trường hợp nhận 2 trẻ em trở lên là anh chị em ruột thì áp dụng mức giảm 50% lệ phí đăng ký nuôi con nuôi đối với mỗi trẻ em.

Trên đây là tư vấn của công ty Luật FBLAW về hồ sơ thủ tục nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài , nếu có thắc mắc hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 0385953737 hoặc 0973.098.987 để được hỗ trợ và giải đáp.

Trân trọng.