banner

Hợp đồng vay tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015

Hợp đồng vay tiền được coi là công cụ pháp lý hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu “huy động vốn”. Hợp đồng vay tài sản có thể được xác lập giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với các tổ chức kinh tế và với các tổ chức tín dụng…

Sau đây Công ty Luật FBLAW sẽ tư vấn cho bạn về hợp đồng vay tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

1. Khái niệm và đặc điểm:
1.1. Khái niệm:

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 quy định các loại hợp đồng thông dụng như:

  • Hợp đồng mua bán tài sản,
  • Hợp đồng tặng cho tài sản,
  • Hợp đồng cho thuê tài sản,
  • Hợp đồng mượn tài sản,
  • Hợp đồng vay tài sản,…

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay. Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

1.2. Đặc điểm:

Hợp đồng vay tài sản có các đặc điểm sau:

(1) Là căn cứ chuyển quyền sở hữu tài sản

(2) Có thể là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù:

Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng có đền bù nếu các bên có thỏa thuận về lãi.

Hợp đồng không có đền bù nếu vay không có lãi.

(3) Là hợp đồng song vụ hoặc đơn vụ:

(4) Là hợp đồng thực tế hoặc hợp đồng ưng thuận

Trường hợp hợp đồng vay tài sản là hợp đồng ưng thuận thì quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh từ thời điểm giao kết, cả hai đều có nghĩa vụ với nhau thì đây là hợp đồng song vụ.

Trường hợp hợp đồng vay tài sản là hợp đồng thực tế thì nó là hợp đồng đơn vụ. Bởi thời điểm có hiệu lực là thời điểm bên vay chuyển giao tài sản cho bên vay, bên cho vay có quyền đòi nợ mà không có nghĩa vụ với bên vay nữa.

2. Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vay tài sản:

2.1 Nghĩa vụ của bên cho vay

(1) Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng số lượng, chất lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận.

(2) Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó.

(3) Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 470 của BLDS 2015 hoặc luật khác có liên quan quy định khác.

2.2. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

(1) Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn. Nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng chất lượng, số lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

(2) Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

(3) Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

(4) Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ:

Thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015 trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

(5) Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả. Trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.

Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

=> Khoản 4 Điều 474 BLDS 2005 quy định:

“Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.”

Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 thì trong hợp đồng vay không lãi, khi vi phạm nghĩa vụ trả nợ, bên vay chỉ phải trả lãi đối với khoản chậm trả trong trường hợp các bên có thỏa thuận về vấn đề này.

Quy định này không hợp lý bởi trong hợp đồng vay không lãi bên cho vay đã thể hiện thiện chí và sự tin tưởng đối với bên vay khi không tính lãi suất trong thời hạn vay. Việc đòi hỏi bên cho vay phải dự tính đến trường hợp bên vay vi phạm nghĩa vụ và phải trả lãi suất trong trường hợp này là không thực tế.

BLDS 2015 đã sửa đồi điều khoản này hợp lý hơn:

“Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

Theo quy định mới bên việc trả lãi chậm trả không cần có sự thỏa thuận trước như quy định cũ.

=> Về nghĩa vụ trả lãi trong hợp đồng vay có lãi: BLDS 2005 quy định tại Khoản 5 Điều 474: “…lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.”

Theo quy định này, sự vi phạm nghĩa vụ lại có khả năng chịu trách nhiệm thấp hơn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận.

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định hợp lý hơn: “Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Ví dụ: A cho B vay 100.000.000 đồng với lãi suất 1%/ tháng, thanh toán tiền lãi hàng tháng và thời hạn của hợp đồng vay là 12 tháng từ 01/01/2017 đến 31/12/2017.

Đến hạn B chưa thanh toán cho A cả gốc lẫn lãi. 06 tháng sau là 01/07/2018, B mới thực hiện việc thanh toán. Nghĩa vụ thanh toán của B trong trường hợp này theo quy định của BLDS năm 2015, như sau:

Tiền nợ gốc =100.000.000 đồng.
Tiền lãi trên nợ gốc trong thời hạn hợp đồng = 100.000.000 x 1% x 12 tháng = 12.000.000 đồng.
Tiền lãi đối với khoản lãi trên nợ gốc chậm trả trong thời hạn hợp đồng = 12.000.000 x 0.83% x 6 = 5.976.000 đồng.
Tiền lãi nợ gốc quá hạn = 100.000.000 x 150% x 1% x 6= 9.000.000 đồng.
3. Lãi suất của hợp đồng vay (Điều 468 BLDS 2015):

Lãi suất vay do các bên tự thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Hợp đồng vay tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì: Lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS 2015 tại thời điểm trả nợ (tức là 10%/năm tương ứng với 0.83 %/ tháng).

4. Thực hiện hợp đồng vay tài sản:

4.1. Thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn 

Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi:  Bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào. Nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản. Còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.

4.2. Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn 

Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý. Còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.

Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Trên đây là tư vấn của FBLAW chúng tôi về Hợp đồng vay tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp cụ thể hơn nhé!