banner

Hợp đồng vận chuyển tài sản, trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Việc ký kết hợp đồng vận chuyển tài sản đang trở nên phổ biến trong thời kỳ phát triển kinh tế hiện nay. Trong quá trình thực hiện hợp đồng vận chuyển tài sản khó tránh khỏi những tranh chấp liên quan đến các điều khoản trong hợp đồng, đặc biệt là tài sản bị mất, hư hỏng trên đường vận chuyển. Khi đó trách nhiệm bồi thường thiệt hại hợp đồng được quy định như thế nào? Công ty luật FBLAW xin gửi đến quý khách hàng bài viết sau đây để làm rõ vấn đề. Nếu còn bất cứ thắc mắc, Quý khách hàng vui lòng liên hệ 0973.098.987 & 038.595.3737 để được tư vấn và hỗ trợ.

1. Hợp đồng vận chuyển tài sản là gì?

Điều 530 Bộ luật Dân sự 2015 đã đưa ra khái niệm hợp đồng vận chuyển tài sản như sau:

“Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.”

Theo đó, hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa bên vận chuyển tài sản với bên thuê vận chuyển tài sản. Trong đó, các bên có thỏa thuận về:

  • Đối tượng của hợp đồng vận chuyển;
  • Địa điểm giao nhận tài sản;
  • Thời gian vận chuyển và giao tài sản đó cho người có quyền nhận tài sản;
  • Nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển của bên thuê vận chuyển tài sản cho đơn vị vận chuyển.

Ví dụ:

Ngày 10/07/2024, Bên A thuê Bên B vận chuyển 1 tấn gạo từ thành phố Vinh ra thành phố Hà Nội bằng đường bộ. Hai bên thỏa thuận rằng Bên B sẽ giao hàng cho Bên A tại Bến xe Mỹ Đình vào khoảng 16h00 ngày 12/07/2024. Bên A có nghĩa vụ bố trí người nhận hàng và dỡ hàng xuống xe cùng với Bên B. Ngoài ra, Bên A phải trả cước phí vận chuyển cho chuyến hàng trên với số tiền là 3.000.000 đồng.

2. Quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng vận chuyển tài sản

Ảnh minh họa

>>>Xem thêm: Dịch vụ Luật sư riêng tại Thành phố Vinh- Nghệ An

Quyền và nghĩa vụ của bên vận chuyển tài sản

Căn cứ Điều 535 Bộ luật Dân sự năm 2015 bên vận chuyển tài sản có quyền:

  • Kiểm tra sự xác thực của tài sản, của vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác.
  • Từ chối vận chuyển tài sản không đúng với loại tài sản đã thỏa thuận trong hợp đồng.
  • Yêu cầu bên thuê vận chuyển thanh toán đủ cước phí vận chuyển đúng thời hạn.
  • Từ chối vận chuyển tài sản cấm giao dịch, tài sản có tính chất nguy hiểm, độc hại, nếu bên vận chuyển biết hoặc phải biết.

Về nghĩa vụ của bên vận chuyển tài sản, Điều 534 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

  • Bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn.
  • Giao tài sản cho người có quyền nhận.
  • Chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.
  • Bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất, hư hỏng tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Quyền và nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển tài sản

Căn cứ Điều 537 Bộ luật Dân sự năm 2015, bên thuê vận chuyển tài sản có quyền:

  • Yêu cầu bên vận chuyển chuyên chở tài sản đến đúng địa điểm, thời điểm đã thỏa thuận.
  • Trực tiếp hoặc chỉ định người thứ ba nhận lại tài sản đã thuê vận chuyển.

Căn cứ Điều 536 Bộ luật Dân sự năm 2015, bên thuê vận chuyển tài sản có nghĩa vụ:

  • Trả đủ tiền cước phí vận chuyển cho bên vận chuyển theo đúng thời hạn, phương thức đã thỏa thuận.
  • Cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến tài sản vận chuyển để bảo đảm an toàn cho tài sản vận chuyển.
  • Trông coi tài sản trên đường vận chuyển, nếu có thỏa thuận. Trường hợp bên thuê vận chuyển trông coi tài sản mà tài sản bị mất, hư hỏng thì không được bồi thường.

3. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với tài sản trong quá trình vận chuyển

Ảnh minh họa

>>>Xem thêm: Nội dung cơ bản của hợp đồng

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với tài sản trong quá trình vận chuyển

Trường hợp 1:

Bên vận chuyển tài sản phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển tài sản.

Căn cứ khoản 5 Điều 534 và khoản 1 Điều 541 Bộ luật Dân sự năm 2015, bên vận chuyển tài sản ngoài việc bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định theo đúng thời hạn thì phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển tài sản nếu để tài sản bị mất hoặc hư hỏng. Trừ trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng, các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Trường hợp 2:

Bên vận chuyển tài sản không phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển tài sản.

Căn cứ khoản 5 Điều 534, khoản 1 Điều 541, khoản 3 Điều 536 Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu các bên có thỏa thuận việc trông coi tài sản trên đường vận chuyển là nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển tài sản, mà tài sản bị mất, hư hỏng thì bên vận chuyển tài sản không có nghĩa vụ phải bồi thường đối với tài sản bị mất, hư hỏng trong hợp đồng vận chuyển tài sản đó.

Bên cạnh đó, theo khoản 3 Điều 541 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, trong trường hợp bất khả kháng dẫn đến tài sản vận chuyển bị mất, hư hỏng hoặc bị hủy hoại trong quá trình vận chuyển thì bên vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Theo đó, pháp luật dân sự tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng vận chuyển tài sản, nên các bên có thể tự do thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của mình, tuy nhiên phải phù hợp với quy định của pháp luật.

Trường hợp 3:

Bên thuê vận chuyển tài sản phải bồi thường thiệt hại cho bên vận chuyển tài sản.

Theo khoản 2 Điều 541 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong hợp đồng vận chuyển tài sản, bên thuê vận chuyển tài sản phải bồi thường thiệt hại cho bên vận chuyển tài sản và người thứ ba về thiệt hại do tài sản vận chuyển có tính chất nguy hiểm, độc hại mà bên thuê vận chuyển tài sản không có biện pháp đóng gói, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.

Như vậy, trước hết phải căn cứ vào hợp đồng vận chuyển tài sản đã được giao kết giữa các bên quy định như thế nào về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi tài sản bị mất mát, hư hỏng trên đường vận chuyển. Nếu không có thỏa thuận thì sẽ áp dụng theo quy định pháp luật.

Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng vận chuyển tài sản

Điều 360 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm như sau:

“Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

Trong đó thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ được quy định như sau:

  • Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.

  • Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

  • Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.

(Theo Điều 361 Bộ luật Dân sự năm 2015 )

Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng vận chuyển tài sản bao gồm:

  • Thiệt hại về vật chất:

Những tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

  • Khoản lợi ích mà lẽ ra bên có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại;
  • Chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.

Để được bồi thường thiệt hại, bên có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hợp đồng vận chuyển tài sản phải thu thập thêm các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ có liên quan để chứng minh bên có nghĩa vụ đã có hành vi vi phạm, có lỗi trong quá trình vận chuyển dẫn đến thiệt hại thực tế xảy ra, làm cơ sở để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

4. Dịch vụ Luật sư của Công ty Luật FBLAW

Ảnh minh họa

>>>Xem thêm: Luật sư tranh tụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An

  • Hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ soạn thảo, rà soát hợp đồng vận chuyển tài sản.
  • Tư vấn hướng giải quyết tranh chấp trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng vận chuyển tài sản.
  • Tham gia thương lượng, đàm phán và đưa ra giải pháp tối ưu cho khách hàng nhằm xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng vận chuyển tài sản.
  • Hỗ trợ khách hàng soạn thảo Đơn khởi kiện.
  • Hướng dẫn khách hàng chuẩn bị hồ sơ khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ có liên quan.
  • Đại diện và/hoặc bảo vệ quyền và lợi hợp pháp cho khách hàng trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trung tâm Trọng tài hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trên đây là toàn bộ nội dung về Hợp đồng vận chuyển tài sản của Công ty luật FBLAW. Để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Quý khách hàng vui lòng liên hệ ngay với Công ty luật FBLAW để được tư vấn và hỗ trợ.

Liên hệ với FBLAW theo thông tin sau:

  • Điện thoại: 0973.098.987- 038.595.3737 
  • Trụ sở chính: 45 Đàm Văn Lễ, phường Trường Thi, Thành Phố Vinh, tỉnh Nghệ An