banner

Các vấn đề về mức lương bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp là số tiền người lao động được trả khi họ bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên nhiều người lao động chưa nắm rõ hết các vấn đề về mức lương thất nghiệp được hưởng và các vấn đề về bảo hiểm thất nghiệp? Hãy cùng Công ty Luật FBLAW chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Đối tượng của bảo hiểm thất nghiệp

Theo quy định tại Điều 43 Luật việc làm năm 2013, đối tượng bắt buộc của bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

a) Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

  • Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
  • Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
  • Hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

b) Người lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

c) Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

  • Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân;
  • Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
  • Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam;
  • Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại Khoản 1 Điều này.

2. Điều kiện để người lao động hưởng mức lương bảo hiểm thất nghiệp

Theo quy định tại Điều 49 của Luật Việc làm năm 2013, để được hưởng mức bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động cần đảm bảo những điều kiện sau:

a) Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

  • Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
  • Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;

b) Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b Khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm năm 2013;đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này.

 

Đối tượng băt buộc tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp
Đối tượng bắt buộc tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp

c) Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc thành lập.

d) Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau:

  • Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
  • Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
  • Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
  • Bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù;
  • Ra nước ngoài định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
  • Chết.

3. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2023 được quy định tại Điều 50 Luật Việc làm 2013 như sau:

– Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp:

– Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa:

+ Không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (Không quá 7.450.000 đồng) hoặc;

+ Không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

(Không quá 23.400.000 đồng đối với vùng I; không quá 20.800.000 đồng đối với vùng II; không quá 18.200.000 đồng đối với vùng III; không quá 16.250.000 đồng đối với vùng IV).

4. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

  •  Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;
  •  Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
  • Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

5. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2023

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp:

– Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp;

– Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Trên đây là những thông tin về đối tượng của bảo hiểm thất nghiệp và điều kiện để người lao động được hưởng mức lương bảo hiểm thất nghiệp. Để biết rõ hơn các quy định về bảo hiểm thất nghiệp, quý khách hàng vui lòng liên hệ tới Công ty Luật FBLAW để được tư vấn và giải đáp.

Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

  • Hotline: 038.595.3737
  • Emailtuvanfblaw@gmail.com
  • Fanpage: Công ty Luật FBLAW
  • Địa chỉ: 45 Đàm Văn Lễ, phường Trường Thi, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Trân trọng./.