Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phải xin lỗi, gỡ bài viết và bồi thường theo đơn kiện của FLC, TAND quận Cầu Giấy ra phán quyết vào chiều 30/9.
Trong bản án tuyên FLC thắng kiện, TAND quận Cầu Giấy yêu cầu báo điện tử Giáo dục Việt Nam bồi thường 14,9 triệu đồng, “gỡ bỏ bài viết, xin lỗi công khai” trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tòa cho rằng báo không tuân theo tôn chỉ mục đích, giấy phép; vi phạm Luật Báo chí khi viết bài có nội dung FLC chây ì trả nợ đối tác (Công ty Hòa Bình).
Theo tòa, do không đạt được thỏa thuận với FLC về việc thanh toán khoản nợ cho các công trình đã thực hiện (theo hai hợp đồng), Hòa Bình đã “không đúng” khi gửi đơn kêu cứu tới cơ quan báo chí mà không phải là đơn vị trọng tài thương mại. Trong quá trình thu thập thông tin để viết bài, báo điện tử Giáo dục Việt Nam không có tài liệu thể hiện việc liên hệ với FLC. Vì thế, bài viết thể hiện FLC chây ì trả nợ là “chưa có căn cứ”.
Trước phán quyết trên của tòa, ông Đào Ngọc Tước, Phó tổng biên tập báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cho hay sẽ kháng cáo.
Đơn khởi kiện của FLC thể hiện, ngày 1/10/2018, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài viết “Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỷ đồng” với nội dung FLC còn nợ vốn gốc 213 tỷ đồng, tìm các lý do trì hoãn dù Công ty Hòa Bình đã gửi tới 13 công văn yêu cầu.
FLC cho rằng nội dung này là sai sự thật, bởi tập đoàn và Công ty Hòa Bình vẫn trong quá trình đàm phán, trao đổi, giải quyết các bất đồng để thực hiện hai hợp đồng đã ký kết. “Việc đưa tin khiến đối tác và thị trường đánh giá, nhìn nhận không đúng về FLC, gây thiệt hại không nhỏ”, FLC nêu lý do khởi kiện.
Trình bày tại tòa, Phó tổng biên tập Đào Ngọc Tước khẳng định nội dung bài báo “hoàn toàn đúng sự thật, dựa trên các tài liệu chính xác”; đúng Luật Báo chí, Luật Phòng chống tham nhũng và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước với báo chí đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, tiêu cực… Thực tế, bài viết vẫn đang được xuất bản trên hệ thống của báo
.
Trước khi đăng bài báo trên, tác giả đã trực tiếp liên hệ với người đứng đầu FLC qua điện thoại, tin nhắn, e-mail song không có hồi đáp. “Việc xác minh thông tin để đăng bài, chúng tôi thực hiện trên nhiều nguồn. Nếu FLC phản hồi sau bài báo đăng, chúng tôi khẳng định sẽ đưa trung thực ý kiến của họ”, ông Tước nói.
Có mặt tại tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đại diện Công ty Hòa Bình xác nhận thông tin báo điện tử Giáo dục Việt Nam đưa là “hoàn toàn chính xác”.
Khi FLC không thanh toán tiền liên quan đến hai hợp đồng 57 và 18, Hòa Bình đã có đơn đến nhiều cơ quan báo chí. “Đầu tháng 10/2018, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng nội dung đúng như công văn Hòa Bình gửi. Chúng tôi cũng đã có thư cảm ơn tới báo”, đại diện Hòa Bình nói.
Trong phần tranh luận, đại diện FLC và Hoà Bình đều giữ nguyên nội dung đã trình bày. VKSND quận Cầu Giấy khi nêu quan điểm đã đề nghị tòa chấp nhận đơn khởi kiện của FLC.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có giấy phép hoạt động từ tháng 5/2011, thuộc Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Nguồn: Vnexpress.vn