Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển khá sớm cũng như hoàn thiện qua các thời kỳ. Luật Hôn nhân và Gia đình được củng cố và xây dựng nhằm phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Bài viết dưới đây, Công ty Luật FBLAW gửi đến Quý khách hàng Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam qua các thời kỳ.
1. Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam qua các thời kỳ
Giai đoạn 1945 – 1960
Ngay sau khi cách mạnh tháng Tám thành công, Hiến pháp đầu tiên ban hành ngày 9/11/1946 đã khẳng định những quyền cơ bản của công dân. Trên cơ sở đó, chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ban hành sắc lệnh số 97-SL vào ngày 22-05-1950 nhằm xoá bỏ những hủ tục trong hôn nhân; đồng thời công nhận các quyền về dân sự và hôn nhân gia đình đối với công dân Việt Nam.
Về vấn đề ly hôn, ngày 17/11/1950, Chủ tịch nước ban hành thêm Sắc lệnh số 159-SL. Sắc lệnh này quy định về căn cứ, thủ tục và hậu quả của việc ly hôn cũng như các vấn đề liên quan. Những sắc lệnh này được xem như là tiền thân của Luật hôn nhân và gia đình về sau.
Giai đoạn 1960 – 1987
Để hoàn thiện hơn cho hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình thì tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá 1 đã chính thức thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959, quy định đầy đủ trong 6 chương với 35 điều cơ bản về các vấn đề trong quan hệ hôn nhân.
Sau khi miền Nam được giải phóng, để phù hợp hơn với cơ chế đất nước trong giai đoạn này, ngày 22/02/1978, Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư 60/TATC và Chỉ thị 69/TATC ngày 24/12/1979 hướng dẫn giải quyết các vấn đề trong quan hệ hôn nhân.
Giai đoạn từ 1987 – 2001
Trên cơ sở kế thừa những nội dung cốt lõi của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959, Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 đã bao quát đầy đủ về các vấn đề hôn nhân gia đình tại nước ta. Văn bản quy phạm này gồm có 10 chương với 57 điều.
Đặc biệt, ngày 20/1/1988, Hội đồng thẩm phán ban hành Nghị quyết 01/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình cùng với đó là Nghị định số 12-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng về thủ tục hết hôn giữa công dân Việt Nam và công dân nước ngoài.
Giai đoạn từ 2001 – 2015
Ngày 09/06/2000, Quốc hội ban hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, thay thế cho Luật hôn nhân và gia đình năm 1986, có hiệu lực thi hành từ 01/02/2001. Nội dung chính trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 là hướng đến xây dựng một gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, bền vững.
Cùng với đó, ngày 9/6/2000 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình.
Giai đoạn từ 2015 đến nay
Sau một quá trình áp dụng, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có một số bất cập và hạn chế, cũng như không còn phù hợp với thực tế xã hội. Vì vậy, ngày 19/06/2014, Quốc hội đã thông qua Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thay thế cho các Luật Hôn nhân và Gia đình trước đó. Văn bản này có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 và hiện tại đang còn hiệu lực.
>>>> Xem thêm: Vấn đề áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình
2. Nội dung cơ bản của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014
Điều kiện kết hôn
Theo quy định Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, điều kiện kết hôn là:
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Các trường hợp cấm kết hôn gồm:
- Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo
- Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn
- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ
- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng
Đặc biệt, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 bỏ quy định cấm kết hôn đồng giới tính và chuyển sang không thừa nhận hôn nhân của những người cùng giới tính.
>>>> Xem thêm: Sự khác biệt trong quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014 với Luật hôn nhân và gia đình 2000
Quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng
- Một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Toà án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất NLHVDS để giải quyết việc ly hôn (Điều 24)
- Trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì người trực tiếp kinh doanh là người đại diện cho bên kia trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thoả thuận khác hoặc Luật hôn nhân và gia đình, luật liên quan có quy định khác (Điều 25)
- Trường hợp vợ chồng có thoả thuận bằng văn bản về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó (Điều 25 và Điều 36)
- Trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật hôn nhân và gia đình thì giao dịch đó vô hiệu; trừ trường hợp người thứ 3 ngay tình được bảo vệ theo quy định của pháp luật (Điều 26).
Tài sản của vợ chồng
- Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thoả thuận
- Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung, không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập
- Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên
- Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thoả thuận của vợ chồng.
- Đối với tài sản chung của vợ chồng: hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng; trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thoả thuận khác.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật FBLAW về Luật Hôn nhân và Gia đình. Để hiểu rõ hơn về những quy định trên cũng như những vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình, Quý khách hàng vui lòng liên hệ tới Công ty Luật FBLAW để được tư vấn và hỗ trợ.
Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
- Hotline: 1900.0888.37
- Fanpage: Công ty Luật FBLAW
- Địa chỉ: 45 Đàm Văn Lễ, phường Trường Thi, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An