banner

Hành vi bạo lực gia đình sẽ bị xử phạt như thế nào

Hiến pháp năm 2013 đã đưa ra những cơ sở pháp lý cao nhất để bảo vệ quyền con người ở Việt Nam như tại khoản 1 Điều 20:

“Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Ở mức độ nào đó, Bộ luật Hình sự; Luật Hôn nhân và gia đình (GĐ) có đề cập tới bạo lực đối với phụ nữ trong GĐ ở các điều khoản như:

Cấm hành hạ hoặc ngược đãi ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu hoặc người nuôi dưỡng; nghiêm cấm những hành vi bạo lực trong GĐ. Đối với bạo lực thể chất, hành vi cố ý gây thương tích cho người khác chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thương tích của nạn nhân được cơ quan có thẩm quyền giám định là trên 11%.

Thực tế, khi người phụ nữ bị chồng hành hung họ thường cảm thấy đau đớn, tủi nhục và tìm mọi cách giấu xung quanh, xa lánh mọi người, họ chỉ chịu đến bệnh viện khi thương tích trầm trọng nguy hiểm đến tính mạng.

Đối với bạo lực tinh thần, Điều 155 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định “tội làm nhục người khác”, song mức độ nghiêm trọng về mặt tinh thần là rất khó xác định, đặc biệt khó đối với nạn nhân của BLGĐ.

Về bạo lực tình dục (chồng – vợ), thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp nhưng hầu như chưa có Tòa án nào xét xử tội cưỡng dâm/hiếp dâm giữa chồng và vợ.

– Theo quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) năm 2007, tại Điều 42. Xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ

1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”

Công ty luật FBLAW xin tư vấn cụ thể cho bạn Hành vi bạo lực gia đình sẽ bị xử phạt như thế nào?

1. Biện pháp xử lý hành chính

Theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống BLGĐ thì:

Điều 49. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên GĐ

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên GĐ.
2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên GĐ;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi BLGĐ, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

Điều 50. Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên GĐ

1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đối xử tồi tệ với thành viên GĐ như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;
b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên GĐ là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 51. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên GĐ

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên GĐ.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên GĐ nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
b) Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên GĐ;
c) Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;
b) Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh đối với hành vi quy định tại Điểm a, c Khoản 2 Điều này.

Điều 52. Hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cấm thành viên GĐ ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên GĐ gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó;
b) Không cho thành viên GĐ thực hiện quyền làm việc;
c) Không cho thành viên GĐ tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh.
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên GĐ phải chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật.
3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cưỡng ép thành viên GĐ thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục;
b) Có hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên GĐ mà thành viên đó không phải là vợ, chồng.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1, 2 và Khoản 3 Điều này.

Điều 53. Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ GĐ giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.

Điều 54. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật.
2. Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
Điều 55. Hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn, tảo hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn, tảo hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác.
2. Cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác.

Điều 56. Hành vi bạo lực về kinh tế

1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không cho thành viên GĐ sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên GĐ;
b) Ép buộc thành viên GĐ lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động;
c) Ép buộc thành viên GĐ đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.

Điều 57. Hành vi trái pháp luật buộc thành viên GĐ ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên GĐ ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thường xuyên đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên GĐ ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.

2. Áp dụng các chế tài trong luật hình sự

3. Áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng

Tình huống thực tế:

GĐ em gái tôi không hạnh phúc đã vài tháng nay, do làm ăn thua lỗ ở ngoài, em rể tôi thường xuyên uống rượu say rồi về nhà đánh đập em gái tôi. Sự việc diễn ra nhiều lần, có lần em gái tôi bị cậu ta đánh đến ngất xỉu, phải nằm viện điều trị một tuần. GĐ hai bên đã nhiều lần khuyên ngăn, nói chuyện nhưng cậu ta vẫn tiếp tục chứng nào tật nấy. Vậy GĐ tôi có thể nhờ cơ quan nào giúp đỡ em gái tôi để không bị bạo hành? Và cậu em rể của tôi sẽ bị xử lý như thế nào?

Giải đáp:

– Rõ ràng rằng, hành vi đánh đập vợ của em rể bạn nhiều lần trong một khoảng thời gian dài như vậy được coi là hành vi BLGĐ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật phòng, chống BLGĐ 2007:

“a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng”.

Vậy nên, em gái bạn thuộc nhóm đối tượng là nạn nhân của BLGĐ.

Với những thông tin mà bạn cung cấp thì em rể bạn dù đã được hai bên GĐ khuyên ngăn nhưng vẫn tiếp tục có những hành vi bạo hành với vợ, cho thấy khả năng cảm hóa, thay đổi hành vi của anh ta là không khả quan.

Vậy nên, trong trường hợp này để phòng ngừa và tránh việc em gái bạn trở thành nạn nhân của các hành vi BLGĐ thì bạn và GĐ có thể thực hiện một trong số các biện pháp sau:

+ Thứ nhất, trước tiên, GĐ có thể hướng dẫn em gái bạn làm đơn yêu cầu hoặc gửi đơn đề nghị đến Hội liên hiệp phụ nữ cấp xã, phường nơi có hành vi BLGĐ làm đơn yêu cầu với xác nhận của em gái bạn để đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra BLGĐ ra quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 3 ngày theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 điều 20 Luật phòng, chống BLGĐ 2007.

Cụ thể, theo quy định tại điều 8 Nghị định 08/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống BLGĐ thì:

“Biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân BLGĐ là việc không cho phép người có hành vi BLGĐ thực hiện các hành vi sau đây:
1. Đến gần nạn nhân trong khoảng cách dưới 30m; trừ trường hợp giữa người có hành vi BLGĐ và nạn nhân có sự ngăn cách như tường, hàng rào hoặc các vật ngăn cách khác, bảo đảm đủ an toàn cho nạn nhân.

2. Sử dụng điện thoại, fax, thư điện tử hoặc các phương tiện thông tin khác để thực hiện hành vi bạo lực với nạn nhân.”

+ Thứ hai, nếu em rể bạn không có sự thay đổi, bạn và GĐ có thể hướng dẫn em gái bạn làm đơn yêu cầu hoặc đề nghị Hội liên hiệp phụ nữ cấp xã, phường nơi xảy ra hành vi BLGĐ làm đơn yêu cầu với xác nhận của em gái bạn để đề nghị Toà án đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa vợ chồng em gái quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 4 tháng theo quy định tại điều 21 Luật phòng, chống BLGĐ 2007.

– Về vấn đề trách nhiệm của em rể bạn, như đã phân tích ở trên, em rể bạn đã có hành vi BLGĐ là đánh đập em gái bạn, vậy nên có thể sẽ phải chịu xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:

Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy ; phòng, chống BLGĐ quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên GĐ như sau:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên GĐ.

2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên GĐ;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi BLGĐ, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.”

Mức xử phạt này sẽ được áp dụng đối với lần đầu tiên hành vi BLGĐ của em rể bạn bị xử lý về mặt hành chính.

Ngoài ra, theo Điều 104 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.”
Vậy nên, nếu hành vi bạo lực của em rể bạn thỏa mãn đủ các dấu hiệu để cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như trên thì hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Có thể thấy, rõ ràng hành vi đánh đập vợ của em rể bạn là hành vi phạm pháp luật và tuy theo mức độ cũng như hậu quả của hành vi mà em rể bạn sẽ phải chịu những hình thức xử lý thích đáng.

Trên đây là tư vấn của Công ty luật FBLAW chúng tôi về Hành vi bạo lực gia đình sẽ bị xử phạt như thế nào. Nếu bạn hoặc người thân của bạn đang là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình hãy liên hệ ngay với FBLAW chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng hiệu quả nhất. 

“Yêu thương và tôn trọng là bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình”