banner

Cách tính thuế thu nhập cá nhân

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là loại thuế trực thu, áp dụng đối với người có thu nhập từ tiền lương, tiền công hoặc các khoản thu nhập khác. Tùy vào từng loại thu nhập mà số thuế phải nộp, thuế suất và cách tính thuế sẽ khác nhau. Sau đây Công ty luật FBLAW xin gửi đến quý khách hàng bài viết tư vấn về “Cách tính thuế thu nhập cá nhân”. Nếu còn bất cứ thắc mắc, Quý khách hàng vui lòng liên hệ 0973.098.987 & 038.595.3737 để được tư vấn và hỗ trợ.

1. Thuế thu nhập cá nhân là gì?

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là khoản tiền trích ra từ thu nhập hàng tháng của người lao động để nộp vào ngân sách chung của nhà nước. Đối với người lao động có mức thu nhập chưa đến mức thu nhập quy định cần đóng thuế thì không cần thực hiện nghĩa vụ đóng thuế TNCN. Người lao động có người thân phụ thuộc sẽ được miễn trừ thuế TNCN theo quy định của pháp luật.

Mặc dù thuế TNCN là một loại thuế rất phổ biến và có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh cũng như hướng dẫn cách tính thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, các văn bản này không giải thích thế nào là thuế TNCN.

2. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân

Theo Điều 2 Luật Thuế TNCN năm 2007 (sửa đổi năm 2014) có quy định về 2 đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân như sau:

Cá nhân cư trú

Là nhóm người lao động có nhà ở hoặc thuê nhà thường xuyên tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và có thời hạn thuê trên 183 ngày trong năm tính thuế hoặc cá nhân có nơi ở thường xuyên ở Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong một năm hoặc 12 tháng kể từ lúc có mặt tại Việt Nam. Được biết ngày đến và ngày đi sẽ được tính là 01 ngày.

Đối với cá nhân cư trú thì có 2 trường hợp cần thực hiện đóng thuế thu nhập cá nhân là:

  • Cá nhân ký kết hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên;
  • Cá nhân ký kết hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động.

Cá nhân không cư trú

Nhóm người không đủ điều kiện đáp ứng thành cá nhân cư trú thì được xác định thuộc nhóm đối tượng cá nhân không cư trú. Thông thường cá nhân không cư trú là những người nước ngoài đến Việt Nam sống và làm việc.

3. Thu nhập chịu thuế và các khoản được giảm trừ

Thu nhập chịu thuế

Theo Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi 2014) thì thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây:

  • Thu nhập từ kinh doanh, bao gồm:

– Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng , dịch vụ;

– Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.

Thu nhập từ kinh doanh quy định tại khoản này không bao gồm thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.

  • Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:

– Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;

– Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản:

+ Phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công;

+ Phụ cấp quốc phòng, an ninh;

+ Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm;

+ Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật;

+ Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

+ Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động;

+ Trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.

Thu nhập chịu thuế (Ảnh minh họa)

>>>Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục đăng ký mã số thuế cá nhân

  • Thu nhập từ đầu tư vốn, bao gồm:

– Tiền lãi cho vay;

– Lợi tức cổ phần;

– Thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác, trừ thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ.

  • Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bao gồm:

– Thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn trong các tổ chức kinh tế;

– Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán;

– Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.

  • Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, bao gồm:

– Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;

– Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở;

– Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, quyền thuê mặt nước;

– Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức.

  • Thu nhập từ trúng thưởng, bao gồm:

– Trúng thưởng xổ số;

– Trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại;

– Trúng thưởng trong các hình thức cá cược;

– Trúng thưởng trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác.

  • Thu nhập từ bản quyền, bao gồm:

– Thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ;

– Thu nhập từ chuyển giao công nghệ.

  • Thu nhập từ nhượng quyền thương mại.

  • Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.

  • Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.

Những khoản được giảm trừ thuế thu nhập cá nhân bao gồm:

  • Giảm trừ gia cảnh:

Căn cứ quy định tại Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 thì mức giảm trừ gia cảnh năm 2024 như sau:

Giảm trừ gia cảnh gồm hai phần sau đây:

– Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);

– Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Trong đó, điều kiện để tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là:

– Người nộp thuế đã đăng ký và được cấp mã số thuế.
– Người nộp thuế cần nộp những hồ sơ chứng minh người phụ thuộc.

  • Các khoản BHXH bắt buộc (BHXH, BHYT, BHTN) và bảo hiểm đặc biệt tùy vào ngành nghề yêu cầu.
  • Giảm trừ những khoản đóng tiền tự nguyện bao gồm: tiền đóng bảo hiểm, từ thiện, khuyến học, đóng góp quỹ nhân đạo và hưu trí.

4. Cách tính thuế thu nhập cá nhân

Tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công

  • Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất

Trong đó:

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ

Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Các khoản được miễn 

Thuế suất từ tiền lương, tiền công đối với cá nhân ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên được áp dụng theo lũy tiến từng phần, cụ thể:

Thuế suất thu nhập cá nhân
Thuế suất thu nhập cá nhân

>>>Xem thêm: Tra cứu mã số thuế thu nhập cá nhân

  • Đối với cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng

Theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động mà có tổng mức trả thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập (khấu trừ luôn trước khi trả tiền).

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 10% x Tổng thu nhập trước khi trả

Tính thuế thu nhập cá nhân khi bán đất

Căn cứ Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC, thuế TNCN phải nộp khi bán đất được tính theo công thức sau:

Thuế TNCN phải nộp = Giá chuyển nhượng x 2%

Trong đó, giá chuyển nhượng là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.

Tính thuế thu nhập cá nhân khi bán nhà

Căn cứ Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC, thuế TNCN phải nộp khi bán nhà được tính như sau:

Thuế TNCN phải nộp = Giá chuyển nhượng x 2%

Trong đó, giá chuyển nhượng nhà để tính thuế TNCN được tính theo giá tính lệ phí trước bạ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định, cụ thể:

Giá trị nhà tính lệ phí trước bạ (đồng) = Diện tích nhà chịu lệ phí trước bạ (m2) x Giá 01 mét vuông nhà (đồng/m2) x Tỷ lệ (%) chất lượng còn lại của nhà chịu lệ phí trước bạ

Trong đó:

– Diện tích nhà chịu lệ phí trước bạ là toàn bộ diện tích sàn nhà (kể cả diện tích công trình phụ kèm theo) thuộc quyền sở hữu hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

– Giá 01 mét vuông nhà là giá thực tế xây dựng “mới” một (01) mét vuông sàn nhà của từng cấp nhà, hạng nhà do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của pháp luật về xây dựng tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.

 

Trên đây là toàn bộ nội dung về “Cách tính thuế thu nhập cá nhân” của Công ty luật FBLAW. Để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Quý khách hàng vui lòng liên hệ ngay với Công ty luật FBLAW để được tư vấn và hỗ trợ.

Liên hệ với FBLAW theo thông tin sau:

  • Điện thoại: 0973.098.987- 038.595.3737 
  • Trụ sở chính: 45 Đàm Văn Lễ, phường Trường Thi, Thành Phố Vinh, tỉnh Nghệ An