Gia đình (gia đình) là tế bào của xã hội , một xã hội muốn tốt đẹp thì mỗi tế bào ấy phải thật khỏe mạnh. Không những thế, gia đình còn là tổ ấm, mang lại sự bình yên, là khuôn thước hình thành nhân cách mỗi con người. Tuy nhiên, bạo lực gia đình (BLGĐ) hiện nay đã trở thành vấn nạn, nó xảy ra ở tất cả các nhóm xã hội cơ bản, vượt qua ranh giới về khu vực, văn hóa, thu nhập, mức sống, tuổi tác, địa vị,… gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em.
Đây không chỉ là vấn đề riêng của quốc gia nào, dân tộc nào mà nó là của toàn nhân loại. Ở một nước đang phát triển như Việt Nam vấn nạn này ngày càng trở lên phổ biến, có xu hướng gia tăng.
Công ty luật FBLAW chúng tôi tư vấn cho bạn Nguyên nhân và thực trạng của nạn bạo lực gia đình như sau:
I. Khái niệm về BLGĐ
Theo quy định của Luật phòng chống BLGĐ năm 2007: “ BLGĐ là hành vi cố ý của thành viên GĐ gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong GĐ”.
II. Phân loại các hình thức BLGĐ và thực trạng
2.1. Các hành vi BLGĐ
2.1.1. Bạo lực về thể xác
– Hành hạ, ngược đãi, đánh đập
– Hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng.
– Cụ thể ngoài các hành vi như: tát, đấm, đá, xô đẩy,… thì việc bắt người bị bạo lực phải ăn đói, mặc rách, ốm đau không được chữa trị,… cũng là biểu hiện của vấn nạn này.
2.2.2. Bạo lực về tinh thần
– Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
– Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
– Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ GĐ: giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.
– Cụ thể bao gồm các hành vi như:
+ Quát tháo, lăng mạ, sỉ nhục, đe dọa, chửi mắng,
+ Cấm đoán các mối quan hệ với bạn bè, GĐ và xã hội,
+ Quyết định mọi việc trong GĐ,
+ Bóc thư riêng
+ Lục soát người, theo dõi và cho người theo dõi vợ/chồng,
+ Lôi kéo con cái và người thân chống lại vợ/ chồng,
+ Thường xuyên đe dọa bỏ nhà đi…
2.2.3. Bạo lực về tình dục
“Bị bạo hành tình dục mà… không biết!”, “”Phim chưởng” chốn phòng the”,… đó là một số câu nói điển hình cho nạn BLGĐ về tình dục, cụ thể đó là:
– Cưỡng ép quan hệ tình dục;
– Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ
– Bao gồm các hành vi như:
+ Đòi và cưỡng bức giao hợp khi người vợ không muốn, hành hạ bằng cách không quan hệ tình dục,
+ Chê bai hoặc miệt thì về khả năng tình dục của vợ, chồng
+ Bắt kết hôn với người mà mình không có tình cảm…
2.2.4. Bạo lực về kinh tế
– Chiếm đoạt, huỷ hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong GĐ hoặc tài sản chung của các thành viên GĐ;
– Cưỡng ép thành viên GĐ lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ;
– Kiểm soát thu nhập của thành viên GĐ nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
– Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên GĐ ra khỏi chỗ ở.
2.2. Thực trạng của nạn BLGĐ
– Theo báo cáo quốc gia về BLGĐ đối với phụ nữ tại Việt Nam, do Tổng cục thống kê tiến hành năm 2010, trong số 5000 phụ nữ được phỏng vấn thì:
+ 32% phụ nữ đã từng kết hôn phải hứng chịu bạo lực thể xác trong đời.
+ 10% phụ nữ đã từng kết hôn trải nghiệm bạo lực tình dục trong đời.
+ 54% phụ nữ đã từng kết hôn hứng chịu bạo lực tinh thần trong đời.
+ 5% phụ nữ bị đánh đập trong khi mang thai từ chính người chồng của mình.
Các chị thường đặt ra câu hỏi: ai sẽ chăm sóc các con tôi? Trở về nhà sẽ còn bị đánh nhiều hơn. Trốn một lúc không trốn được cả đời. Tôi không thể trở về nhà bố mẹ được. Tôi khổ, tôi xấu hổ, họ còn khổ và xấu hổ hơn nhiều. Giữa đêm trốn đi đâu bây giờ?
Các câu hỏi như xé nát tâm can, lạc lỏng giữa bầu trời đêm, không tìm ra lối thoát.
– Còn theo số liệu báo cáo của các địa phương, từ năm 2012 đến năm 2016, cả nước xảy ra trên 127.000 vụ BLGĐ. Trong đó, nam giới chiếm 83,6% đối tượng gây bạo lực.
Thông tin từ Bộ Văn hóa-Thể thao&Du lịch, gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ BLGĐ.
Những con số thực sự đáng báo động.
Qua đó có thể thấy, bạo lực giữa người chồng với người vợ trong GĐ là dạng bạo lực phổ biến nhất trong GĐ. Phụ nữ là nạn nhân chủ yếu của nạn BLGĐ.
Bên cạnh đó, hiện nay hiện tượng người vợ sử dụng bạo lực đối với chồng cũng không phải là hiếm; rồi ngày càng nhiều bạo lực giữa cha mẹ với con cái, con cái với cha mẹ.
Từ “Mặt trái của nền kinh tế thị trường”, “hệ quả tất yếu của xã hội hiện đại” bạo lực tinh thần, thường diễn ra trong những nhóm có kinh tế GĐ khá giả, trình độ học vấn tương đối cao, nghề nghiệp ổn định…
Thực tế, số vụ bạo hành còn cao gấp nhiều lần, nhưng không phát hiện được, bởi lẽ, hầu hết nạn nhân không dám thổ lộ vì tư tưởng không nên “vạch áo cho người xem lưng”.
III. Nguyên nhân
Nguyên nhân gốc rễ của BLGĐ là do nhận thức về bình đẳng giới.
3.1. Nguyên nhân về tư tưởng
– Tư tưởng phong kiến “trọng nam khinh nữ”, khiến nam giới trở nên gia trưởng, cho phép mình được bạo hành với phụ nữ.
– Sự nhìn nhận, đấu tranh của người phụ nữ trước bạo hành GĐ còn hạn chế, cam chịu; họ mang tư tưởng: “xấu chàng hổ ai”, họ sợ: “vạch áo cho người xem lưng”, hay sợ hàng xóm, bạn bè chê cười,…
– Trẻ em còn chịu sự ảnh hưởng trực tiếp từ chính GĐ mình về những quan niệm, hành vi bạo lực của người cha và sự cam chịu của người mẹ.
– Xã hội chưa nhận thức rõ và chưa tích cực lên án nạn bạo hành đối với phụ nữ. Cộng đồng coi BLGĐ là chuyện riêng của mỗi nhà, “Đèn nhà ai nhà nấy rạng” nên ít có sự can thiệp kịp thời, chỉ những lúc vụ việc đã đang gây hậu quả nghiêm trọng.
3.2. Nguyên nhân về văn hóa
– Quan niệm GĐ là do nam giới kiểm soát.
– Trình độ học vấn thấp, chênh lệch giữa vợ và chồng.
– Nghĩ rằng việc chấp nhận bị bạo hành sẽ có thể giải quyết xung đột.
3.3. Yếu tố kinh tế
– Nữ giới thường phụ thuộc nam giới về lĩnh vực kinh tế.
– Năng lực nghề nghiệp, đặc biệt là tình trạng chênh lệch về nghề nghiệp giữa vợ và chồng, sự ưu ái đối với nam giới của các nhà tuyển dụng.
– Nạn thất nghiệp, vô công rồi nghề của chồng cùng với thói gia trưởng dễ dẫn đến “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” mỗi khi “chán đời”.
– Ngoài ra còn do tác động của các chất kích thích, của men bia, rượu, ma túy, của thói trăng hoa,…
3.4. Yếu tố luật pháp
– Luật pháp liên quan đến BLGĐ còn chưa rõ ràng, mới mang tính hình thức, việc thi hành pháp luật chưa nghiêm minh.
– công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BLGĐ còn chưa đạt hiệu quả cao.
– Sự hiểu biết về pháp luật của cộng đồng còn hạn chế.
=> Như vậy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực trong GĐ đối với song nguyên nhân sâu xa chính là do yếu tố nhận thức. BLGĐ chính là một biểu hiện của sự bất bình đẳng giới, là sản phẩm của chế độ gia trưởng.
Trên đây là tư vấn của Công ty luật FBLAW chúng tôi về Nguyên nhân và thực trạng của nạn bạo lực gia đình. Nếu bạn hoặc người thân của bạn đang là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình hãy liên hệ ngay với FBLAW chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng hiệu quả nhất nhé!
FBLAW – chúng tôi sẽ bảo vệ bạn!
“Yêu thương và tôn trọng là bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình”