banner

Một Số Bất Cập Của Điều 260 BLHS Năm 2015

Một Số Bất Cập Của Điều 260 BLHS Năm 2015 

Trong những năm qua, mặc dù nhà nước ta đã có nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông nhưng tình trạng vi phạm các quy định về an toàn giao thông vẫn còn rất phổ biến. Nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Do đó chính sách pháp luật về hình sự cũng đã thay đổi nhằm khắc phục và hạn chế thực trạng này. Tuy nhiên bên cạnh những thay đổi tích cực thì Điều 260 BLHS năm 2015 vẫn đang còn những bất cập sau đây:

Mở rộng về chủ thể của tội phạm

Theo Điều 202 BLHS năm 1999 quy định về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:

Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt từ từ 6 tháng đển 5 năm.

Theo Điều 260 BLHS năm 2015 quy định về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:

Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 đến 05 năm.

Qua đó ta có thể thấy, chủ thể của của Điều 260 BLHS năm 2015 đã thay đổi rộng hơn rất nhiều so với chủ thể của Điều 202 BLHS năm 1999. Cụ thể, chủ thể của điều Điều 202 BLHS năm 1999 chỉ là những người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; còn chủ thể của của Điều 260 BLHS năm 2015 là những người tham gia giao thông đường bộ.

Theo khoản 22 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định “Người tham gia giao thông gồm:

  1. Người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ;
  2. Người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ”,

Như vậy ta thấy về chủ thể của tội phạm đã được mở rộng hơn rất nhiều, bao gồm tất cả những người tham gia giao thông đường bộ. Việc mở rộng về chủ thể của tội phạm như thế này là rất hợp lý, đảm bảo sự công bằng cho tất cả những người tham gia giao thông và không bỏ lọt tội phạm.

Bấp cập khi căn cứ vào hậu quả

Theo Điều 202 BLHS năm 1999 quy định tại khoản 1 về gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác; điểm đ khoản 2 quy định về gây hậu quả rất nghiêm trọng; khoản 3 quy định về gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Những tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt này đã được giải thích và hướng dẫn rất rõ tại Điều 2 của Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng quy định tại Chương XIX của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông.

Kế thừa Điều 202 BLHS năm 1999 và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC, Điều 260 BLHS năm 2015 đã liệt kê cụ thể các tình tiết định tội và định khung hình phạt thành các điểm, khoản tương ứng. Tuy nhiên việc liệt kê này còn một số hạn chế qua ví dụ sau:

VD1: Ngày 10/3/2018 A lái xe ôtô đi sai phần đường nên đâm vào xe môtô gây tai nạn làm 01 người tổn hại 68 % sức khỏe và 01 người tổn hại 70% sức khỏe. Hậu quả do A gây ra là làm 02 người tổn hại 138% sức khỏe; hành vi nêu trên của A đã đủ cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại điểm e khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015.

Điểm e khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 quy định: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

VD2: Ngày 10/3/2018 B lái xe ôtô đi sai phần đường nên đâm vào xe môtô gây tại nạn làm 01 chết và một người tổn hại 90% sức khỏe. Đối chiếu với Điều 260 BLHS năm 2015 thì hành vi của B chỉ phạm vào tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015.

Từ 2 ví dụ trên ta thấy hậu quả do hành vi của B gây ra là lớn hơn hậu quả do hành vi của A gây ra nhưng trách nhiệm hình sự của B lại nhẹ hơn trách hình sự của A. Đây là một bất cập của Điều 260 BLHS 2015.

Một Số Bất Cập Của Điều 260 BLHS Năm 2015

VD3: Ngày 10/3/2018 C lái xe ôtô đi sai phần đường nên đâm vào xe môtô gây tai nạn làm 01 người tổn hại 60 % sức khỏe, 01 người tổn hại 90% sức khỏe và 01 người tổn hại 95% sức khỏe. Hậu quả do C gây ra là làm 03 người bị thương tổn hại 245% sức khỏe; hành vi nêu trên của C đã phạm vào tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại điểm b khoản 3 Điều 260 BLHS năm 2015

Điểm b khoản 3 Điều 260 BLHS 2015 quy định: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

VD4: Ngày 10/3/2018 D lái xe ôtô đi sai phần đường nên đâm vào xe môtô gây tai nạn làm 02 chết và một người tổn hại 98% sức khỏe. Đối chiếu với Điều 260 BLHS năm 2015 thì hành vi của D chỉ phạm vào tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điểm đ khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015

Hậu quả do D gây ra lớn hơn hậu quả do C gây ra nhưng trách nhiệm hình sự của D lại nhẹ hơn trách nhiệm hình sự của C điều này là trái với các quy định của BLHS.

Trên đây là Một Số Bất Cập Của Điều 260 BLHS Năm 2015. Để việc áp dụng điều luật thật sự chính xác và hiệu quả thì rất cần sự quan tâm phối hợp của các cơ quan liên ngành Trung ương, để sớm ban hành hướng dẫn thống nhất trong áp dụng. Từ đó, công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này trong thực tiễn mới đạt hiệu quả, góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn trật tự xã hội, an toàn giao thông.

Cảm ơn Quý khách đã truy cập vào FBLAW.VN để tìm hiểu các thông tin nêu trên. Trong trường hợp cần trao đổi chi tiết về bài viết hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của FBLAW, Quý khách vui lòng liên hệ qua hộp thư điện tử tuvanfblaw@gmail.com hoặc Hotline 0385953737 hoặc 0973.098.987.