banner

Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, các cá nhân, tổ chức cần biết rõ quy định pháp luật về các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu để bảo vệ doanh nghiệp mình.

Vậy những hành vi nào bị xem là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu?

Cá nhân, tổ chức có hành vi sao chép, làm giả, sử dụng trái phép toàn bộ hoặc một phần các yếu tố chính của nhãn hiệu đang được bảo hộ là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Để bảo vệ bạn và doanh nghiệp của bạn, Công ty Luật FBLAW tư vấn cho bạn các hành vi bị xem là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nếu thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu:

1. Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

Hành vi này bị xem là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nếu có đủ các yếu tố sau:

  • Sử dụng nhưng không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.
  • Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ về cấu trúc, nội dung, ý nghĩa và hình thức thể hiện.
  • Sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa dịch vụ đã đăng ký cho nhãn hiệu đó.

Ví dụ:

Nhãn hiệu “TRƯỜNG SINH” được Friesland Brands B.V. đăng ký bảo hộ cho sản phẩm sữa và đã được bảo hộ tại Việt Nam năm 2013. Năm 2019, Ông A sử dụng nhãn hiệu “TRƯỜNG SINH” cho sản phẩm sữa đậu nành.

Như vậy, Hành vi của ông A bị xem là hành vi xâm phạm quyền đối với với nhãn hiệu.

2. Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.

Hành vi này bị xem là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nếu có đủ các yếu tố sau:

  • Sử dụng nhưng không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.
  • Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ về cấu trúc, nội dung, ý nghĩa và hình thức thể hiện.
  • Sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan với hàng hóa dịch vụ đã đăng ký cho nhãn hiệu đó.
  • Có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.

Hai hàng hóa, dịch vụ được coi là tương tự nhau khi chúng cùng/tương tự nhau về bản chất hoặc chức năng hoặc mục đích sử dụng. Ví dụ: Bánh mỳ và Bánh quy; thiết kế thi công và thiết kế nội ngoại thất.

Ví dụ:

Năm 2007, Công ty TNHH sản xuất thương mại An Hưng Phát đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “An Hưng Phát” tại Việt Nam cho nhóm đồ gỗ gia dụng: bàn, ghế, giường, tủ và đã được cấp Văn bằng bảo hộ. Năm 2012, Ông B đã sản xuất một số lượng lớn giá sách làm bằng gỗ và sử dụng nhãn hiệu “An Hưng Phát” cho sản phẩm này.

Như vậy, hành vi này của ông B được xem là sử dụng nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ cho hàng hóa tương tự (bàn, ghế, giường, tủ và giá sách là hàng hóa tương tự nhau), việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa. Vì vậy, hành bi của ông B bị xem là là hành vi xâm phạm quyền đối với với nhãn hiệu.

Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu

3. Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.

Hành vi này bị xem là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nếu có đủ các yếu tố sau:

  • Sử dụng nhưng không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.
  • Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu đã được bảo hộ: dấu hiệu đó gần giống với nhãn hiệu đã được bảo hộ về cấu trúc hoặc cách phát âm hoặc ý nghĩa, nội dung hoặc hình thức thể hiện.
  • Sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự hoặc liên quan với hàng hóa dịch vụ đã đăng ký cho nhãn hiệu đó.
  • Có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.

Ví dụ:

Công ty cổ phần Vincom đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “VINCOM và hình” cho nhóm dịch vụ “bất động sản” tại Cục SHTT năm 2005 và đã được cấp văn bằng bảo hộ.

Đầu năm 2009, Công ty CP Tài chính và Bất động sản Vincon công bố một số dự án khu du lịch sinh thái.

Nhãn hiệu “Vincon” đựợc sử dụng trong lĩnh vực bất động sản đã gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “VINCOM” đã được bảo hộ. Vì vậy, hành vi này của Công ty “CP Tài chính và Bất động sản Vincon bị xem là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “VINCOM”.

4. Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự hoặc dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ví dụ như: “Kfc”, “Nike”, “Hm”.

Hành vi này bị xem là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nếu có đủ các yếu tố sau:

  • Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự hoặc dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng.
  • Có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Ví dụ:

Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sử dụng nhãn hiệu nổi tiếng “Cocacola” để đăng ký cho bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào tại Việt Nam mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu “Cocacola” đều bị xem là hành vi xậm phạm quyền đối với nhãn hiệu.