banner

Điểm mới Bộ luật Lao động sửa đổi so với Bộ luật Lao động hiện hành

Công ty Luật FBLAW gửi đến Quý đọc giả bài viết với nội dung “Điểm mới Bộ luật Lao động sửa đổi so với Bộ luật Lao động hiện hành”.

Điểm mới Bộ luật Lao động sửa đổi so với Bộ luật Lao động hiện hành

Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh

Nếu như Bộ luật Lao động 2012 quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động… trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động thì Bộ luật Lao động 2019 mở rộng thêm đối tượng là người làm việc không có quan hệ lao động cùng một số tiêu chuẩn riêng.

Tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ

Bộ Luật lao động mới nêu rõ, lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường tiến tới khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Từ năm 2021, trong điều kiện bình thường, độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi 3 tháng, lao động nữ là 55 tuổi 4 tháng. Sau đó cứ 1 năm thì độ tuổi nghỉ hưu của nam tăng thêm 3 tháng, nữ tăng thêm 4 tháng. Đối với trường hợp bị suy giảm khả năng lao động, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nơi có điều kiện khó khăn thì được nghỉ hưu sớm trước thời gian không quá 05 năm.

Ngày lễ Quốc khánh 2-9 được tăng lên 2 ngày

Đối với việc tăng thêm một ngày nghỉ lễ trong năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chọn phương án tăng thêm ngày cận kề ngày Quốc khánh 2/9. Như vậy, ngày Quốc khánh nước ta, người lao động sẽ được nghỉ hai ngày. Quy định mới này nâng tổng số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm từ 10 ngày lên 11 ngày. Trong những ngày nghỉ này, người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương.

Ghi nhận hình thức hợp đồng lao động điện tử

Xuất phát từ thực tiễn, với sự phát triển của khoa học công nghệ thì việc giao kết hợp đồng lao động không đơn thuần chỉ bằng văn bản, lời nói hay hành vi. Chính vì vậy, Điều 14 Bộ luật Lao động mới đã ghi nhận thêm hình thức giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử. Hợp đồng này có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng văn bản thông thường

Quy định riêng đối với lao động nữ, đảm bảo bình đẳng giới

Bộ Luật Lao động sửa đổi có những quy định riêng dành cho lao động nữ và đảm bảo quyền bình đẳng giới. Các quan điểm đảm bảo quyền việc làm, quyền lao động của nữ giới được mở rộng và không còn hạn chế như những nội dung cũ.

Không còn hợp đồng lao động theo mùa vụ

Điều 20 Bộ luật Lao động sửa đổi đã bỏ nội dung về hợp đồng mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng, thay vào đó chỉ còn 02 loại hợp đồng là: hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Quy định này được đánh giá là tiến bộ lớn của pháp luật lao động nhằm bảo vệ người lao động, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động “lách luật”, không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bằng cách ký các loại hợp đồng mùa vụ, dịch vụ…

Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập từ việc áp dụng các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động, Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 cho phép người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do mà chỉ cần báo trước 30 ngày với hợp đồng xác định thời hạn và 45 ngày với hợp đồng không xác định thời hạn.

Đồng thời, người lao động cũng được quyền yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của mình khi chấm dứt hợp đồng lao động; các chi phí của việc cung cấp do người sử dụng lao động chi trả…

Được ký hợp đồng xác định thời hạn nhiều lần với người cao tuổi

Có thể thấy, người cao tuổi thường là những người có nhiều năm làm việc với nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là những công việc yêu cầu trình độ cao. Do đó, để phát huy giá trị của người cao tuổi, Điều 149 Bộ luật Lao động cho phép người sử dụng lao động thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn với người cao tuổi thay vì kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới như trước đây.

Luật hóa vai trò của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động

Theo nội dung của Bộ Luật Lao động năm 2019, lần đầu tiên vai trò của các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động được luật hóa về: vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình tham gia xây dựng các quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Các tổ chức đại diện người sử dụng lao động có thể kể đến: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức khác.

Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp

Điều 93 Bộ luật Lao động 2019 quy định, doanh nghiệp được chủ động trong việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động trên cơ sở thương lượng, thoả thuận với người lao động.

Tiền lương trả cho người lao động là số tiền để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Đối thoại định kỳ tại doanh nghiệp

Thay vì tổ chức định kỳ 03 tháng/lần như hiện nay thì khoản 1 Điều 63 Bộ luật Lao động sửa đổi đã nâng thời gian tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc lên 1 năm/lần; đồng thời, bổ sung thêm một số trường hợp người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại như vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc; khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động…

 

Trên đây là bài viết của Công ty Luật FBLAW về nội dung Điểm mới của Bộ luật Lao động sửa đổi so với Bộ luật Lao động hiện hành. Hy vọng rằng bài viết đã giúp giải đáp phần nào thắc mắc của Quý bạn đọc đối với vấn đề này.

Liên hệ với FBLAW theo thông tin sau:

Tel: 038.595.3737 – Hotline: 0973.098.987
Email: tuvanfblaw@gmail.com
Địa chỉ: 45 Đàm Văn Lễ, phường Trường Thi, Thành Phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Trân trọng ./.