banner

Cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần

Cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần

Cơ cấu tổ chức của Công ty cổ phần (CTCP) được quy định tại Điều 134 Luật Doanh nghiệp (DN) năm 2014.

Như vậy, theo quy định của Luật doanh nghiệp, công ty cổ phần có hai cách tổ chức quản lý, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác:

  1.  Cách thức tổ chức không có Ban kiểm soát
  2. Cách thức tổ chức có Ban kiểm soát

Trong Công ty cổ phần, trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp Điều lệ không có quy định khác thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty (theo Khoản 2 Điều 134 Luật doanh nghiệp năm 2014).

1. Cách tổ chức không có Ban kiểm soát

Cách tổ chức không có Ban kiểm soát chỉ áp dụng trong trường hợp công ty có dưới 11 cổ đông. Và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần hoặc ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị.

Khi đó cơ cấu tổ chức quản lý của công ty cổ phần bao gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trong đó:

1.1. Đại hội đồng cổ đông

Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần (Khoản 1 Điều 135 Luật Doanh nghiệp năm 2014).

Đại hội đồng cổ đông có các quyền và nghĩa vụ sau đây (Khoản 2 Điều 135 LDN 2014):

  • Thông qua định hướng phát triển của công ty;
  • Quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán, quyết định mức cổ tức hằng năm của từng loại cổ phần;
  • Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên;
  • Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ hoặc một giá trị khác;
  • Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
  • Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;
  • Quyết định mua lại trên 10% tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại;
  • Xem xét và xử lý các vi phạm của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát gây thiệt hại cho công ty và cổ đông công ty;
  • Quyết định tổ chức lại, giải thể công ty;
  • Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

Đại hội đồng cổ đông họp thường niên mỗi năm một lần. Ngoài cuộc họp thường niên, Đại hội đồng cổ đông có thể họp bất thường.

Địa điểm họp Đại hội đồng cổ đông phải ở trên lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tổ chức đồng thời ở nhiều địa điểm khác nhau thì địa điểm họp Đại hội đồng cổ đông được xác định là nơi chủ tọa tham dự họp.

Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Theo đề nghị của Hội đồng quản trị, Cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá 06 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Thủ tục triệu tập họp đại hội đồng cổ đông, điều kiện, nội dung, thể thức tiến hành họp và ra quyết định của đại hội cổ đông được thực hiện theo quy định tại các Điều từ 136 đến Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2014

1.2. Hội đồng quản trị

Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông (Khoản 1 Điều 149 Luật Doanh nghiệp năm 2014).

Hội đồng quản trị có các quyền và nghĩa vụ được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 149 Luật Doanh nghiệp 2014.

Hội đồng quản trị thông qua quyết định bằng biểu quyết tại cuộc họp, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty quy định. Mỗi thành viên Hội đồng quản trị có một phiếu biểu quyết.

Khi thực hiện chức năng, quyền và nghĩa vụ của mình, Hội đồng quản trị tuân thủ đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

Trong trường hợp nghị quyết do Hội đồng quản trị thông qua trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty thì các thành viên tán thành thông qua nghị quyết đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về nghị quyết đó và phải đền bù thiệt hại cho công ty; thành viên phản đối thông qua nghị quyết nói trên được miễn trừ trách nhiệm.

Trường hợp này, cổ đông sở hữu cổ phần của công ty liên tục trong thời hạn ít nhất 01 năm có quyền yêu cầu Hội đồng quản trị đình chỉ thực hiện nghị quyết nói trên.

Hội đồng quản trị có từ 03 đến 11 thành viên. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng thành viên Hội đồng quản trị.

Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên độc lập Hội đồng quản trị không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Số lượng, thời hạn cụ thể của nhiệm kỳ, số thành viên Hội đồng quản trị phải thường trú ở Việt Nam do Điều lệ công ty quy định.

Trường hợp tất cả thành viên Hội đồng quản trị cùng kết thúc nhiệm kỳ thì các thành viên đó tiếp tục là thành viên Hội đồng quản trị cho đến khi có thành viên mới được bầu thay thế và tiếp quản công việc, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

Trường hợp công ty cổ phần được tổ chức quản lý theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 134 của Luật Doanh nghiệp 2014 thì các giấy tờ, giao dịch của công ty phải ghi rõ “thành viên độc lập” trước họ, tên của thành viên Hội đồng quản trị tương ứng.

Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, quyền, nghĩa vụ, cách thức tổ chức và phối hợp hoạt động của các thành viên độc lập Hội đồng quản trị.

Hội đồng quản trị bầu một thành viên của Hội đồng quản trị làm Chủ tịch. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty trừ trường hợp Công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết thì Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Quyền, nghĩa vụ của chủ tịch Hội đồng quản trị và tiến hành cuộc họp Hội đồng quản trị được quy định cụ thể từ Điều 152 đến Điều 156 Luật doanh nghiệp 2014.

1.3. Gíam đốc hoặc Tổng giám đốc

Hội đồng quản trị bổ nhiệm một người trong số họ hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao (Khoản 2 Điều 157 Luật Doanh nghiệp năm 2014).

Nhiệm kỳ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không quá 05 năm; có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

Tiêu chuẩn và điều kiện của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc áp dụng theo quy định tại Điều 65 Luật doanh ngiệp 2014. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các quyền và nghĩa vụ sau được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 157 Luật doanh nghiệp 2014.

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty, hợp đồng lao động ký với công ty và nghị quyết của Hội đồng quản trị.

Trường hợp điều hành trái với quy định này mà gây thiệt hại cho công ty thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho công ty.

2. Cách tổ chức có Ban kiểm soát: Trừ các trường hợp trên, công ty cổ phần phải có Ban kiểm soát.

Ban kiểm soát thực hiện giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty (Khoản 1 Điều 165 Luật Doanh nghiệp năm 2014).
Các bộ phận khác của công ty cổ phần có Ban kiểm soát giống như đối với công ty cổ phần không có Ban kiểm soát.

Công ty cổ phần có trên 11 cổ đông phải có ban kiểm soát từ 03 đến 05 thành viên, nhiệm kỳ của Kiểm soát viên không quá 05 năm và Kiểm soát viên có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Các Kiểm soát viên bầu một người trong số họ làm Trưởng Ban kiểm soát theo nguyên tắc đa số.

Quyền và nghĩa vụ của Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định. Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số thành viên thường trú ở Việt Nam. Trưởng Ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn khác cao hơn.

Trường hợp Kiểm soát viên có cùng thời điểm kết thúc nhiệm kỳ mà Kiểm soát viên nhiệm kỳ mới chưa được bầu thì Kiểm soát viên đã hết nhiệm kỳ vẫn tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ cho đến khi Kiểm soát viên nhiệm kỳ mới được bầu và nhận nhiệm vụ.

Những quy định khác về Kiểm soát viên và Ban kiểm soát được quy định cụ thể từ Điều 164 đến 169 Luật doanh nghiệp 2014.

=> Như vậy, có thể thấy cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần theo Luật doanh nghiệp 2014 có sự thay đổi hoàn toàn so với Luật doanh nghiệp 2005.

Theo đó tại Điều 95 Luật DN 2005 quy định: “ Công ty cổ phần có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; đối với công ty cổ phần có trên mười một cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải có Ban kiểm soát”.

Có thể thấy luật hiện hành chỉ giới hạn 3 trường hợp cụ thể nêu trên trong công ty cổ phần không phải có ban kiểm soát, còn tất cả các trường hợp khác khi thành lập công ty cổ phần phải có ban kiểm soát.

Sở dĩ pháp luật quy định trường hợp công ty cổ phần phải có ban kiểm soát vì:

Chức năng chính của ban kiểm soát là thay mặt cổ đông kiểm soát các hoạt động của công ty, chủ yếu là về vấn đề tài chính. Giả sử nếu trường hợp một cổ đông nắm giữ trên 50% cổ phần trong công ty mà trong mô hình công ty không có ban kiểm soát thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề trong doanh nghiệp. Nếu một người nắm giữ số cổ phần quá nhiều thì sẽ dễ phát sinh việc độc quyền và lợi ích riêng trong công ty. Nếu điều này xảy ra sẽ kìm hãm sự phát triển của công ty.

Tuy nhiên có một điều không thể phủ nhận việc tổ chức mô hình công ty cổ phần như trên có sự phân công các chức năng cụ thể cho từng cơ quan khác nhau, giám sát lẫn nhau trong mọi việc có như vậy công ty mới hoạt động hiệu quả.

Bạn đang muốn thành lập công ty? Bạn đang chưa nắm rõ Cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần, các trình tự thủ tục đăng ký thành lập công ty cổ phần? Hãy liên hệ ngay Công ty luật uy tín FBLAW chúng tôi để được hỗ trợ và tư vấn nhanh chóng, hiệu quả nhất nhé!

FBLAW – Tư vấn nhiệt tình, tận tâm

Luôn hướng tới lợi ích của khách hàng