Một trong những vấn đề thường gặp khi ly hôn là một bên đương sự vắng mặt hoặc không chịu đến tòa án để giải quyết dứt điểm các tranh chấp pháp sinh khi ly hôn ? Công ty Luật FBLAW xin tư vấn về thủ tục ly hôn vắng mặt theo quy định của pháp luật hiện hành.
1. Khái niệm ly hôn vắng mặt
Căn cứ khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Ly hôn vắng mặt là việc một bên đương sự không có mặt tại phiên tòa. Giải quyết ly hôn vắng mặt sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
2. Quy định của pháp luật về sự vắng mặt tại phiên tòa
2.1 Bị đơn vắng mặt
Vấn đề này được quy định tại điểm b, c Khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:
“1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
2. Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.
3. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
…….
1. Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
2. Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật”
Như vậy, Đối với bị đơn, nếu vắng mặt tại phiên tòa lần thứ 1 thì Tòa án phải hoãn phiên tòa. Tòa án triệu tập hợp lệ tham gia phiên tòa lần thứ 2 mà vẫn vắng mặt thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ. Trừ trường hợp vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa.
Nếu trong cùng một vụ án mà bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt lần 2 và không có đơn xin xét xử vắng mặt thì Tóa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố và tiến hành xét xử vụ án để giải quyết yêu cầu của nguyên đơn.
2.2 Nguyên đơn vắng mặt
Khoản 1 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:
“1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa
2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
a. Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật…”
Lưu ý, ly hôn là vụ án không thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng nên bạn phải trực tiếp tham gia. Nếu bạn đang là nguyên đơn và vì một lý do nào đó mà bạn không thể có mặt tại phiên tòa xét xử đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần 2 thì phải có đơn xin xét xử vắng mặt. Tòa án chỉ xem xét hoãn phiên tòa nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Nếu vắng mặt mà không có đơn xin xét xử vắng mặt thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện. Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện.
3.Các trường hợp ly hôn vắng mặt
3.1 Ly hôn với người vắng mặt tại nơi cư trú
Tại Khoản 1 Điều 12 Luật cư trú 2006 quy định: “Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú”.
Theo Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án:
“1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;”
Như vậy, nơi cư trú là nơi chồng hoặc vợ thường trú hoặc tạm trú. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của chồng, vợ thì bạn nộp đơn khởi kiện tại Tòa án cấp huyện nơi chồng, vợ bạn đang sinh sống và có xác nhận của Công an của công an xã/phường/ thị trấn.
Tại điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015 quy định:
“Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung”.
Cũng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự, nếu nguyên đơn không biết nơi cư trú, làm việc của bị đơn thì có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng để giải quyết.
Như vậy, khi vợ, hoặc chồng vắng mặt tại nơi cư trú, việc ly hôn vẫn được giải quyết theo thủ tục chung.
3.2 Ly hôn với người nước ngoài không có mặt tại Việt Nam
Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về thẩm quyền của Tòa án theo cấp tại Khoản 3 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:
“Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện.”
Như vậy, những vụ việc ly hôn với người nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nhân dân cấp Tỉnh/thành phố giải quyết.
Trường hợp người nước ngoài đang cư trú và làm việc ở Việt Nam tại thời điểm Tòa án nhận thụ lý vụ việc thì Tòa có thẩm quyền giải quyết là cấp quận/Huyện.
4. Thủ tục ly hôn vắng mặt
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, trước khi đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải tiến hành hòa giải giữa các đương sự. Nếu Tòa án đã triệu tập hợp lệ để tham gia hòa giải đến lần thứ 2 mà chồng/ vợ vẫn cố tình vắng mặt thì được xác định thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải được (căn cứ khoản 1 Điều 207 BLTTDS). Tòa án tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải và quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung.
Việc vắng mặt của chồng/ vợ là nguyên đơn hay bị đơn trong vụ án tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự đã được trình bày cụ thể ở phần 1 nêu trên.
Như vậy, trong trường hợp vợ hoặc chồng vắng mặt và không tham gia phiên tòa thì Tòa án vẫn tiến hành các trình tự, thủ tục giải quyết vụ án đơn phương ly hôn mà không phụ thuộc vào việc có hay không có sự có mặt của bị đơn.
Trình tự đơn phương ly hôn:
Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn tại Tòa án;
Bước 2: Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn khởi kiện, cùng hồ sơ hợp lệ, Tòa án sẽ thụ lý và thông báo nộp tiền tạm ứng án phí cho người nộp đơn, tuy nhiên nếu vụ việc phức tạp thì thời gian có thể lâu hơn.
Bước 3: Đương sự nộp tiền tạm ứng án phí tại Chi cục thi hành án cấp huyện và nộp lại biên lai nộp tiền cho Tòa án;
Bước 4: Tòa án thụ lý vụ án, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và ra Bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án.
FBLAW – TƯ VẤN LY HÔN TẠI NGHỆ AN
- Tư vấn qua điện thoại: Tel: 038.595.3737 – Hotline: 0973.098.987
- Tư vấn qua Email: tuvanfblaw@gmail.com
- Tư vấn trực tiếp tại địa chỉ: 45 Đàm Văn Lễ, phường Trường Thi, Thành Phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Xin chân thành cảm ơn!