banner

Trâu, bò “tham gia giao thông”gây tai nạn, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?

Trên nhiều tuyến đường, tình trạng thả rông gia súc đang trở nên phổ biến và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đã có không ít các vụ tai nạn giao thông do việc thả rông trâu bò hoặc do người dẫn dắt gia súc không tuân thủ luật giao thông gây ra. Vậy tai nạn do vật nuôi gây ra, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm bồi thường ?

Khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định: Không được thả rông súc vật trên đường bộ. Trường hợp người dắt súc vật đi trên đường bộ phải tuân thủ nguyên tắc sau: Phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường, trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới (Điều 34 Luật Giao thông đường bộ).

Với những trường hợp vật nuôi, súc vật thả rông gây tai nạn, pháp luật hiện hành đã có những quy định xử phạt rất rõ ràng.

Theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới; Để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 60.000 – 80.000 đồng.

Trường hợp chủ gia súc không tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn giao thông, dẫn dắt gia súc đi vào đường giao thông gây tai nạn giao thông, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 của Quốc hội quy định về việc bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau: Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Cụ thể như sau:

1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Điều luật này cũng quy định, trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội…

Trường hợp chủ gia súc thả gia súc hoặc dẫn dắt gia súc đi trên đường gây tai nạn giao thông chết người thì người chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung xử lý thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 – 05 năm. Trường hợp vô ý làm chết 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 03 – 10 năm, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường theo Bộ luật Dân sự.

Nhiều trường hợp, tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn, không có người nào đứng ra nhận làm chủ vật nuôi. Do đó, việc bồi thường cho người bị nạn trong trường hợp này gặp khó khăn. Đây cũng là vấn đề còn tồn tại khá phổ biến, do mỗi khi xảy ra tai nạn, người chủ sở hữu gia súc thường né tránh, không nhận trách nhiệm.

Không có thống kê do tai nạn giao thông do trâu, bò gây ra. Tuy nhiên, trên thực tế những vụ việc này đã xảy ra và trở thành nỗi lo của người tham gia giao thông. Bởi khi xảy ra tai nạn, thiệt thòi vẫn là người đi đường. Bởi vì nếu trâu bò húc phải người đi đường thì họ phải chịu hậu quả dù là gãy tay, gãy chân, nhưng nếu trâu bò bị thương, chết thì như một “luật bất thành văn”, chủ nhân của chúng lại xuất hiện để bắt đền.

Để hạn chế trường hợp vật nuôi gây tai nạn giao thông, mỗi người chủ cần có ý thức hơn nữa trong việc quản lý vật nuôi, không chăn, thả trâu, bò trên đường giao thông. Ngoài ra, chính quyền địa phương cùng các cơ quan liên quan cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.