banner

Những điểm mới về thẩm quyền xét xử của tòa án trong BLTTHS năm 2015

1. Những điểm mới về thẩm quyền xét xử sơ thẩm của tòa án trong BLTTHS năm 2015

1.1. Thẩm quyền xét xử của tòa án các cấp

* So sánh khoản 1

Khoản 1 điều 170 BLTTHS năm 2003 quy định :
“1. Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm sau đây :
a) Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
b) Các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;
c) Các tội quy định tại các điều 93, 95, 96, 172, 216, 217, 218, 219, 221, 222, 223, 224, 225, 226, 263, 293, 294, 295, 296, 322 và 323 của Bộ luật hình sự.”

Khoản 1 điều 268 BLTTHS 2015 quy định:

1. Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm:
a) Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
b) Các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;
c) Các tội quy định tại các điều 123, 125, 126, 227, 277, 278, 279, 280, 282, 283, 284, 286, 287, 288, 337, 368, 369, 370, 371, 399 và 400 của Bộ luật hình sự;
d) Các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Căn cứ vào khoản 1 điều 170 BLTTHS 2003 và khoản 1 điều 268 BLTTHS 2015 có thể chỉ ra điểm mới sau:
Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND cấp huyện và TAQS khu vực trong bộ luật TTHS 2015 bị hạn chế thêm về các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN (quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 268 BLTTHS 2015).

Chính vì vậy nên, những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng nhưng được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước CHXHCNVN sẽ thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND cấp tỉnh và TAQS cấp quân khu.

=> Ý nghĩa:
Nhằm đảm bảo được tính hợp lí, rõ ràng; các vụ án được giải quyết đúng đắn, kịp thời vì tính chất vụ việc khá phức tạp, đòi hỏi trình độ chuyên môn, kinh nghiệm cao của cán bộ giải quyết vụ việc cũng như điều kiện thuận lợi hơn ở cấp cao hơn.

* So sánh khoản 2

Khoản 2 Điều 170 BLTTHS năm 2003 quy định:

“2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử.”

Khoản 2 Điều 268 BLTTHS năm 2015 quy định:

“2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án:
a) Vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực;
b) Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài;
c) Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.”

Thứ nhất: Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND cấp tỉnh và TAQS cấp quân khu trong BLTTHS năm 2015 đã bổ sung thêm trường hợp “vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài” được quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 268.
Thứ 2: Thay vì chỉ nói chung chung là “Tòa án cấp dưới” như ở Khoản 2 Điều 170 BLTTHS năm 2003 thì ở BLTTHS năm 2015 thuật ngữ này ở Điểm c Khoản 2 Điều 268 đã nêu cụ thể ra là “Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực”.
Thứ 3: BLTTHS năm 2015 đã chỉ rõ những trường hợp cụ thể về “những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp dưới mà mình – TAND cấp tỉnh và TAQS cấp quân khu – lấy lên để xét xử”, đó là:

+ Những vụ án hình sự có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành.
+ Vụ án mà bị cáo là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh, TP thuộc TP trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.

=> Ý nghĩa:

Việc phân định cụ thể, hợp lý thẩm quyền giữa các cấp Tòa án còn nhằm tháo gỡ khó khăn cho tòa án cấp huyện.
Điều này nhằm đảm bảo tính khách quan, công bằng trong việc thụ lý giải quyết vụ án, đồng thời do tính chất nhạy cảm của vụ việc có thể ảnh hưởng đến dư luận xã hội lớn. Vì vậy, những vụ án này cần được tòa án cấp trên giải quyết mà không thể giao cho cấp dưới giải quyết được.

=> Bộ luật TTHS 2015 quy định rõ ràng cụ thể hơn, hợp lí và chặt chẽ hơn về thẩm quyền xét xử của tòa án các cấp so với BLTTHS 2003. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác định thẩm quyền của các tòa án, tránh tranh chấp thẩm quyền trong việc thụ lý giải quyết vụ án. Qua đó, tạo điều kiện để vụ án được giải quyết đúng đắn, nhanh chóng, hiệu quả cũng như tạo điều kiện cho người tham gia tố tụng tham gia hoạt động tố tụng.

1.1.2. Về thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ

  Thẩm quyền theo lãnh thổ
  BLTTHS năm 2003 BLTTHS năm 2015
CSPL Điều 171 Điều 269
  Khoản 2 Điều 171 Khoản 2 Điều 269
Nội dung 2. Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì do Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước xét xử.

Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo thì tùy trường hợp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giao cho

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử.

 

2. Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước xét xử.

Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo thì tùy trường hợp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giao cho

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hoặc Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử.

   

Bị cáo phạm tội ở nước ngoài, nếu thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thì do Tòa án quân sự cấp quân khu trở lên xét xử theo quyết định của Chánh án Tòa án quân sự trung ương.

Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thì Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử theo quyết định của Chánh án Tòa án quân sự trung ương.

 

Như vậy, ngoài Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ở BLTTHS năm 2015 còn xuất hiện thêm 1 tòa án nữa là Tòa án nhân dân TP Đà NẵNg; có thẩm quyền giải quyết các vụ án hình sự mà bị cáo phạm tội ở nước ngoài nhưng xét xử tại Việt Nam.
– Sự ra đời TAND TP Đà Nẵng: tại phiên họp thứ 38, chiều 14/5/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập các Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Theo đó, 3 TAND cấp cao được thành lập gồm:

  1. TAND cấp cao tại Hà Nội,
  2. TAND cấp cao tại Đà Nẵng
  3. và TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

– Theo quy định của luật tổ chức TAND năm 2014 về thẩm quyền của Tòa cấp cao là làm nhiệm vụ xét xử phúc thẩm. TAND cấp cao tại Đà Nẵng phụ trách quản lý thực hiện về hoạt động phúc thẩm trên 12 tỉnh thành miền trung hay có thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

Thành phố Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk.

Và khi các vụ án ở các tỉnh miền trung thực hiện các hoạt động phúc thẩm ở TP Đà Nẵng thay vì TP Hà Nội, TP.HCM thì sẽ giảm thiểu tối đa bất cập trong quá trình thi hành án, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án. Qua đó vụ án có thể giải quyết nhanh chóng, kịp thời.

=>Nhận Xét: Đây là quyết định hợp lý khi vừa giải quyết được gánh nặng cho 2 tòa (TP Hà Nội, TP.HCM), lại tạo điều kiện cho những người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

1.1.3. Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự

BLTTHS 2015 bổ sung quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự tại điều 272:
“1. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử:
a) Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân;
b) Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ.
2. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật.”

=>Nhận Xét:

Quy định đầy đủ thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự nhằm khắc phục những vướng mắc của pháp luật hiện hành.
Điều này đã cụ thể hóa các trường hợp thuộc thẩm quyền của TAQS nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lựa chọn vụ án nào thì thuộc thẩm quyền của TAND và vụ án nào thì thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS. Qua đó, tránh xảy ra tranh chấp trong thẩm quyền xét xử giữa TAND và TAQS cũng như tạo được tính độc lập, bí mật đối với các vụ án hình sự có tính chất quân sự mà TAQS thụ lý giải quyết.

1.1.4. Việc xét xử bị cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự

BLTTHS 2015 bổ sung quy định về vấn đề này tại Điều 273 BLTTHS 2015.

“Khi vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân thì thẩm quyền xét xử được thực hiện:

1. Trường hợp có thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự; Tòa án nhân dân xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân;

2. Trường hợp không thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử toàn bộ vụ án.”

=>Nhận xét: Việc đưa ra điểm mới này nhằm đảm bảo tính độc lập, bí mật trong quân sự, tránh xung đột về thẩm quyền và đảm bảo được tính chặt chẽ, hợp lí trong việc xét xử bị cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự. Tạo điều kiện cho vụ án được giải quyết nhanh chóng, đúng thẩm quyền tránh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng.

2. Những điểm mới về thẩm quyền xét xử phúc thẩm của tòa án trong BLTTHS năm 2015
*BLTTHS năm 2003:
Điều 230. Tính chất của xét xử phúc thẩm

“Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.”

Không có điều luật quy định rõ về thẩm quyền xét xử phúc thẩm (XXPT) của tòa án mà chỉ xuất phát từ quy định về tính chất của XXPT tại Điều 230 BLTTHS là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp dưới cho nên để xác định được thẩm quyền của Tòa án cần làm rõ những Tòa án nào được xét xử sơ thẩm và Tòa án nào được xác định là Tòa án cấp trên.

Theo quy định tại Điều 170 BLTTHS năm 2003, Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm bao gồm:

+ Tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực;
+ TAND cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu

Tuy nhiên, BLTTHS lại không quy định rõ Tòa án nào được xác định là Tòa án cấp trên của các Tòa án này. Cho nên, cần xem xét về cơ cấu tổ chức của hệ thống TAND và Tòa án quân sự để xác định.

*BLTTHS năm 2015

Điều 344. Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm
“1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị.
2. Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng cáo, kháng nghị.
3. Tòa án quân sự cấp quân khu có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự khu vực bị kháng cáo, kháng nghị.
4. Tòa án quân sự trung ương có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự cấp quân khu bị kháng cáo, kháng nghị.”

Theo đó, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung điều luật mới để quy định rõ thẩm quyền XXPT của tòa án các cấp, cụ thể hóa nội dung tại điều 230 của BLTTHS năm 2003 là hoàn toàn hợp lý. Tòa án cấp trên và tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đã được làm rõ, chỉ đích danh. Như vậy sẽ tránh gây nhầm lẫn, tranh chấp về mặt thẩm quyền từ đó gây ảnh hưởng gián tiếp đến quyền và lợi ích của người tham gia tố tụng; và tránh tình trạng đùn đẩy tránh nhiệm, từ đó có căn cứ xử phạt cơ quan sai sót hay có sự sai phạm.