banner

Hướng dẫn cách lập di chúc bằng văn bản để có hiệu lực pháp luật

Bạn muốn tìm hiểu về di chúc? Bạn không biết một di chúc thế nào mới được pháp luật công nhận. Công ty luật FBLAW chúng tôi xin Hướng dẫn cách lập di chúc bằng văn bản để có hiệu lực pháp luật như sau:

Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật FBLAW xin đề cập đến đến tính hợp pháp về hình thức của di chúc có hình thức bằng văn bản và không có công chứng, chứng thực.

Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực thì có giá trị pháp lý không? Khi pháp luật quy định khác nhau thì áp dụng pháp luật ở thời điểm nào để xác định di chúc hợp pháp hay không hợp pháp? Những câu hỏi đó dường như chỉ dành cho những người không chuyên làm công việc giải quyết tranh chấp thừa kế.

Tuy vậy, trong thực tiễn xét xử, có nhiều bản án cho thấy Thẩm phán cũng chưa có nhận thức đúng quy định của pháp luật. Việc viện dẫn hàng loạt điều luật trong bản án và đòi hỏi di chúc phải tuân theo tất cả các điều luật này thì mới hợp pháp. Thực tế, mỗi điều luật chỉ quy định về một loại hình thức di chúc, khi lựa chọn một loại hình thức để làm di chúc thì chỉ phải tuân theo một điều luật tương ứng mà thôi.

1. Thế nào là di chúc hợp pháp

1.1. Áp dụng pháp luật về thừa kế

Một di chúc được lập vào năm 1995 thì phải áp dụng pháp luật ở thời điểm lập di chúc là Pháp lệnh Thừa kế (có hiệu lực từ 10/9/1990 đến 30/6/1996) để xác định di chúc có hợp pháp hay không. Đó chính là quy định luật áp dụng là luật có hiệu lực ở thời điểm thực hiện hành vi.

Hệ thống pháp luật về thừa kế của Việt Nam đã được quy định trong các văn bản pháp quy bao gồm:
– BLDS năm 2015 (từ Điều 609 đến Điều 662). Có hiệu lực từ 01/01/2017;
– BLDS năm 2005 (từ Điều 631 đến Điều 687). Có hiệu lực từ 01/01/2006 đến 31/12/2016;
– BLDS năm 1995 (từ Điều 634 đến Điều 689). Có hiệu lực từ 01/7/1995 đến 31/12/2005;
– Pháp lệnh Thừa kế. Có hiệu lực từ 10/9/1990 đến 30/6/1996;
– Thông tư 81/TANDTC ngày 24/7/1981 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế.

1.2. Khái niệm chung về di chúc hợp pháp

Các văn bản pháp quy nêu trên đều có quy định về di chúc hợp pháp. Di chúc cũng là một loại giao dịch dân sự (giao dịch một bên) nên phải tuân theo các quy định về một giao dịch hợp pháp. Theo đó, các giao dịch đều phải hợp pháp về 4 yếu tố: Chủ thể – ý chí – nội dung – hình thức. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật thừa kế nêu trên, quy định của các văn bản pháp quy có khác nhau, đặc biệt là quy định về hình thức.

Quy định về chủ thể: Các thời kỳ đều quy định chủ thể phải là người đủ năng lực hành vi dân sự. Từ Pháp lệnh Thừa kế quy định rõ là đủ 18 tuổi, người từ đủ 16 tuổi thì phải có sự đồng ý của người giám hộ. Từ BLDS năm 1995 có thay đổi là từ đủ 15 tuổi đã có quyền lập di chúc nhưng phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Quy định về ý chí: Các thời kỳ đều quy định về sự tự nguyện, làm chủ việc định đoạt của người lập di chúc; thể hiện ở tiêu chuẩn “minh mẫn, sáng suốt”, “không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép”.

Quy định về nội dung:

Thông tư 81/TANDTC và Pháp lệnh Thừa kế đều quy định nội dung của di chúc “không trái quy định của pháp luật”.

Đến BLDS năm 1995 bổ sung thêm quy định là không trái “đạo đức xã hội”.

BLDS năm 2005 thay quy định “không trái pháp luật” bằng quy định “không vi phạm điều cấm của pháp luật”.

BLDS năm 2015 thay bằng “không vi phạm điều cấm của luật”.

Quy định về hình thức: Quy định về hình thức di chúc có nhiều thay đổi qua các thời kỳ.

2. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về Hình thức di chúc

2.1. Các hình thức di chúc

Căn cứ vào mức độ liên quan với cơ quan công chứng, chứng thực thì có thể xác định có 3 loại hình thức di chúc chính được quy định trong BLDS năm 2015, đó là:

– Di chúc miệng (Điều 629);

– Di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực (khoản 2 và 3 Điều 628);

– Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực.

Công chứng, chứng thực phải là của cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Ví dụ như các Phòng công chứng, các Ủy ban nhân dân…

Còn sự xác nhận của các cơ quan, tổ chức không có thẩm quyền công chứng, chứng thực thì chỉ có một số loại xác nhận được coi “có giá trị như di chúc được công chứng, chứng thực” (các di chúc quy định ở Điều 638).

Di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực bao gồm:

– Loại bắt buộc phải có công chứng, chứng thực: Đó là trường hợp người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ (khoản 3 Điều 630).

– Loại có thể công chứng, chứng thực: Đó là loại không bắt buộc phải công chứng, chứng thực nhưng người lập di chúc có quyền yêu cầu công chứng, chứng thực (Điều 635).

Ví dụ: Người có năng lực hành vi đầy đủ, tự viết di chúc thì di chúc đó đã là hợp pháp. Nhưng họ muốn công chứng để tránh nghi ngờ, tranh chấp về sau này thì di chúc của họ vẫn được công chứng.

– Loại có giá trị như công chứng, chứng thực:

Đó là các loại di chúc không có công chứng, chứng thực mà chỉ có xác nhận của cá nhân hoặc tổ chức quy định ở Điều 638 (gồm 6 loại) như:

  • Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay, có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó;
  • Di chúc của người đang điều trị ở bệnh viện có xác nhận của người phục trách bệnh viện;
  • Di chúc của người đang bị tạm giam có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó…

2.2. Di chúc không có công chứng, chứng thực

Di chúc không có công chứng, chứng thực trong trường hợp này là loại di chúc không cần công chứng, chứng thực hay xác nhận (loại thuộc Điều 638 nêu trên) cũng là di chúc hợp pháp. Đó là 2 loại di chúc:

  1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng (Điều 633)
  2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng (Điều 634).

2.2.1.Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng

Loại di chúc này được quy định tại Điều 633, cụ thể là:

“Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc.
Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 của Bộ luật này”.

Đặc trưng cơ bản nhất của loại di chúc này là “tự viết và ký vào bản di chúc”, vì vậy có thể gọi loại di chúc này là di chúc tự viết. Việc tự viết vừa thể hiện sự tự nguyện của người lập di chúc vừa mang tính đặc định cao, khó có thể làm giả, và thuận lợi cho việc giám định.

Di chúc tự viết cũng có đặc điểm gắn liền với đặc điểm của di chúc là ý chí của cá nhân, là bảo mật nên nó là loại di chúc truyền thống và xu hướng là tồn tại lâu dài.

Người lập di chúc tự viết nhưng phải ký vào. Viết đủ nội dung mà chưa ký thì cũng vẫn chỉ là dự thảo. Thực tiễn xét xử đã không công nhận nhiều văn bản mới viết mà chưa ký vào.

Di chúc tự viết còn phải tuân theo các quy định của Điều 631.

Điều 631 quy định về nội dung di chúc nhưng còn quy định cả một số vấn đề về hình thức di chúc.

Ví dụ: Quy định “nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc”.

Như vậy, một di chúc tự viết và đã ký nhưng không ký vào từng trang thì di chúc vẫn là vi phạm quy định về hình thức và không hợp pháp.

Hướng dẫn cách lập di chúc bằng văn bản để có hiệu lực pháp luật

2.2.2.Di chúc bằng văn bản có người là chứng

Loại di chúc này được quy định tại Điều 634, cụ thể là:

Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng.

Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 và Điều 632 của Bộ luật này”.

Đây là loại di chúc không cần công chứng, chứng thực nhưng bắt buộc phải có hai người làm chứng trở lên. Loại di chúc này là di chúc đánh máy hoặc người khác viết hộ. Đánh máy thì có thể tự đánh hoặc nhờ người khác đánh. Như vậy, đánh máy thường là có hình thức đẹp hơn viết nhưng tự viết có giá trị hơn tự đánh máy. Do đó, tự viết thì không cần người làm chứng nhưng tự đánh máy thì vẫn cần có người làm chứng.

Cần lưu ý việc nhờ người khác viết phải là trường hợp người lập di chúc biết chữ, không bị hạn chế về thể chất (mù, câm , điếc…). Nếu người lập di chúc không biết chữ hoặc hạn chế về thể chất thì lại bắt buộc phải có công chứng, chứng thực (khoản 3 Điều 630).

Ngoài việc phải tuân theo các quy định của Điều 631 như di chúc tự viết thì di chúc bằng văn bản có người làm chứng còn phải tuân theo các quy định của Điều 632 là điều quy định về những người không được làm chứng.

Thực tiễn xét xử thường có trường hợp người viết hộ hoặc đánh máy hộ đồng thời là người làm chứng. Pháp luật không cấm làm chứng trong trường hợp này nên người viết hộ hoặc đánh máy hộ mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 632 thì họ vẫn là người làm chứng hợp pháp.

Người làm chứng phải chứng kiến việc người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ. Do vậy, nếu người lập di chúc chỉ ký hoặc điểm chỉ một lần thì những người làm chứng phải cùng có mặt thì di chúc mới hợp pháp.

3. Di chúc hợp pháp không có công chứng, chứng thực trước BLDS năm 2015

3.1. Thời kỳ thi hành BLDS năm 2005

Thời kỳ thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 cũng quy định có 2 loại di chúc không cần công chứng, chứng thực là di chúc bằng văn bản không có người làm chứng (Điều 655) và di chúc bằng văn bản có người làm chứng (Điều 656).

Quy định về hình thức đối với hai loại di chúc này cũng giống quy định tại BLDS năm 2015. Tuy nhiên, BLDS năm 2005 quy định di chúc bằng văn bản có người làm chứng không bao gồm loại di chúc đánh máy. Do vậy, di chúc đánh máy ở thời kỳ thi hành BLDS năm 2005, dù là di chúc tự đánh máy hay nhờ người khác đánh máy thì cũng phải có công chứng hoặc chứng thực.

3.2. Thời kỳ thi hành BLDS năm 1995

Thời kỳ thi hành BLDS năm 1995 cũng quy định có 2 loại di chúc không cần công chứng, chứng thực là di chúc bằng văn bản không có người làm chứng (Điều 658) và di chúc bằng văn bản có người làm chứng (Điều 659).

BLDS năm 1995 cũng không quy định di chúc đánh máy thuộc loại chỉ cần người làm chứng. Do đó, trong thời kỳ thi hành BLDS năm 1995, di chúc đánh máy là di chúc phải có công chứng hoặc chứng thực.

3.3. Thời kỳ thi hành Pháp lệnh Thừa kế

Quy định về di chúc không có công chứng, chứng thực trong thời kỳ thi hành Pháp lệnh Thừa kế có sự khác biệt cơ bản so với thời kỳ sau này. Pháp lệnh chỉ quy định về “di chúc viết” và “di chúc miệng”, hoàn toàn không có quy định về di chúc bằng văn bản. Như vậy, di chúc đánh máy ở thời kỳ này là không hợp pháp.

Hướng dẫn cách lập di chúc bằng văn bản để có hiệu lực pháp luật

Ngoài di chúc viết có công chứng, chứng thực, hoặc có giá trị như di chúc được chứng thực quy định tại Điều 14 (Di chúc viết được cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân chứng thực), Điều 15 (Di chúc viết được cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chứng thực), Điều 16 (Di chúc viết có giá trị như di chúc được chứng thực) thì có quy định riêng ở Điều 17 về “di chúc viết không có chứng thực, xác nhận”. Cụ thể là:

Di chúc viết không có chứng thực, xác nhận như quy định tại các Điều 14, 15, 16 của Pháp lệnh này chỉ được coi là di chúc hợp pháp, nếu đúng là do người để lại di sản tự nguyện lập trong khi minh mẫn, không bị lừa dối và không trái với quy định của pháp luật”.

Quy định ở Điều 17 nêu trên có khác biệt rất cơ bản với quy định về di chúc không có công chứng, chứng thực được quy định tại các BLDS.

Khác biệt đó là chỉ cần có chứng cứ đủ để tin rằng đó là di chúc hợp pháp về chủ thể, về ý chí, về nội dung là có thể công nhận di chúc hợp pháp; không đòi hỏi những thủ tục hình thức khác.

Ví dụ: Một người nhờ viết hộ di chúc, không có ai làm chứng vào di chúc nhưng có nhiều người biết bản di chúc này vì người lập di chúc cho xem. Nếu là di chúc lập ở thời kỳ thi hành BLDS thì rõ ràng là không được pháp luật công nhận vì viết hộ mà không có người làm chứng. Tuy nhiên, nếu di chúc này được lập ở thời kỳ thi hành Pháp lệnh Thừa kế thì lại phù hợp với Điều 17, là di chúc hợp pháp.

3.4. Thời kỳ thi hành Thông tư 81

Thông tư 81/TANDTC ngày 24/7/1981 của TANDTC là văn bản pháp quy hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế trong giai đoạn trước khi có Pháp lệnh Thừa kế.

Quy định của Thông tư 81 về di chúc không có công chứng, chứng thực là giống với quy định của Pháp lệnh Thừa kế.

Thông tư quy định:

“Di chúc có thể là chúc thư viết hoặc di chúc miệng”…

“Nếu di chúc không có sự chứng nhận hợp lệ, nhưng có người làm chứng bảo đảm, hoặc xác định được di chúc đó đúng là do người có di sản tự nguyện lập ra (như đúng là chữ viết và chữ ký của người có di sản, thời gian và địa điểm ghi trong di chúc cũng phù hợp…) thì cũng có giá trị”.

Các quy định nêu trên cho thấy, ở thời kỳ thi hành Thông tư 81, di chúc đánh máy không được công nhận hợp pháp, còn di chúc viết cũng chỉ cần có chứng cứ đủ tin là của người có di sản tự nguyện lập ra mà không cần phải có người làm chứng như quy định của các BLDS sau này.

Ngoài quy định về công chứng, chứng thực, người làm chứng, những quy định khác về hình thức di chúc ở mỗi thời kỳ cũng cần nắm vững.

Ví dụ: Giai đoạn thi hành Pháp lệnh Thừa kế và Thông tư 81 không có quy định phải ký vào từng trang của di chúc nên di chúc chỉ có một chữ ký cuối cùng cũng là di chúc hợp pháp.

Trên đây là tư vấn của FBLAW chúng tôi về Hướng dẫn cách lập di chúc bằng văn bản để có hiệu lực pháp luật. Thực tiễn hiện nay có rất nhiều vụ án tranh chấp về thừa kế liên quan đến di chúc, làm rạn nứt tình cảm gia đình, những người con cùng cha cùng mẹ hay máu mủ ruột già đấm đá nhau chỉ vì tranh giành di sản thừa kế. Hãy liên hệ ngay với FBLAW chúng tôi nếu bạn cần hỗ trợ để được tư vấn nhanh chóng và giải quyết kịp thời tránh các vấn đề phát sinh gây hậu quả nặng nề cho bạn nhé!