Luật Quản lý thuế 2019 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019 với nhiều nội dung quan trọng như: Kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế, mở rộng quyền người nộp thuế… FBLAW gửi các bạn các điểm mới của Luật Quản lý thuế 2019.Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực từ 01/7/2020.
Bắt buộc sử dụng hoá đơn điện tử trước ngày 01/7/2022
Luật Quản lý thuế (sửa đổi) bắt buộc tổ chức, cá nhân sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 01/07/2022, tuy nhiên Luật khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày 01/07/2022.
Theo đó, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán và các trường hợp xác định được doanh thu khi bán hàng hoá, dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Đối với cấp hóa đơn theo từng lần phát sinh (hóa đơn lẻ): hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng hoặc trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được cơ quan thuế chấp nhận cấp hóa đơn điện tử để giao cho khách hàng thì được cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã theo từng lần phát sinh và phải khai, nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh …
Các trường hợp được xóa tiền nợ thuế, tiền phạt, chậm nộp
Quốc hội đã nhất trí các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, cụ thể:
– Doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
– Cá nhân đã chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ.
– Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế không thuộc trường hợp quy định tại 2 trường hợp nêu trên, mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại điểm g khoản 1 Điều 125 của luật này và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi. Người nộp thuế là cá nhân, cá nhân kinh doanh, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đã được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt quy định tại khoản này trước khi quay lại sản xuất kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh mới thì phải hoàn trả cho Nhà nước khoản nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đã được xoá.
– Tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng đã được xem xét miễn tiền chậm nộp theo quy định tại khoản 8 Điều 59 của luật này và đã được gia hạn nộp thuế theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 62 của luật này mà vẫn còn thiệt hại, không có khả năng phục hồi được sản xuất kinh doanh và không có khả năng nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Đối với các khoản thuế được miễn, giảm, không thu, xóa nợ thuế phát sinh trước ngày 01/07/2020 thì tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13.
Quyền của người nộp thuế
Điều 16 của Luật Quản lý thuế sửa đổi quy đinh rõ những quyền của người nộp thuế:
1. Được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế; cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế.
2. Được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm toán, kiểm tra.
3. Yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích về việc tính thuế, ấn định thuế; yêu cầu cơ quan, tổ chức giám định số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
4. Được giữ bí mật thông tin, trừ các thông tin phải cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thông tin công khai về thuế theo quy định của pháp luật.
5. Hưởng các ưu đãi về thuế, hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế; được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn.
6. Ký hợp đồng với tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế, đại lý làm thủ tục hải quan để thực hiện dịch vụ đại lý thuế, đại lý làm thủ tục hải quan.
7. Được nhận quyết định xử lý về thuế, biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế, được yêu cầu giải thích nội dung quyết định xử lý về thuế; được bảo lưu ý kiến trong biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế; được nhận văn bản kết luận kiểm tra thuế, thanh tra thuế, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý thuế.
8. Được bồi thường thiệt hại do cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế gây ra theo quy định của pháp luật.
9. Yêu cầu cơ quan quản lý thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình.
10. Khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
11. Không bị xử lý vi phạm về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.
12. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của công chức quản lý thuế và tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật về tố cáo.
13. Được tra cứu, xem, in toàn bộ chứng từ điện tử mà mình đã gửi đến Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật này và của pháp luật về giao dịch điện tử.
14. Được sử dụng chứng từ điện tử trong các giao dịch với cơ quan quản lý thuế và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Làm rõ, quản lý chặt hơn đối với giao dịch liên kết
Theo khoản 5 Điều 42 Luật số 38/2019/QH14 quy định nguyên tắc kê khai, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết như sau:
– Kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập;
– Giá giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giao dịch độc lập để kê khai, xác định số tiền thuế phải nộp theo nguyên tắc không làm giảm thu nhập chịu thuế;
Lưu ý: Người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro về thuế thấp được miễn thực hiện quy định kê khai, xác định giá tính thuế theo nội dung trên và được áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.
Thời hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân được tăng thêm 1 tháng
Theo đó, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán năm thuế TNCN chậm nhất là ngày thứ một trăm hai mươi (120), kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế.
Như vậy, Luật Quản lý thuế sửa đổi cho phép cá nhân trực tiếp quyết toán thuế được nộp hồ sơ quyết toán thuế trong thời hạn là 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch, kéo dài thêm 1 tháng so với thời quy định hiện hành.
Trên đây là điểm mới của Luật quản lý thuế 2020. Cảm ơn quý khách đã truy cập vào FBLAW, mói thắc mắc xin Liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây để được tư vấn, hỗ trợ nhé:
Tel: 038.595.3737 – Hotline: 0973.098.987
Email: tuvanfblaw@gmail.com
Địa chỉ: 45 Đàm Văn Lễ, phường Trường Thi, Thành Phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Trân trọng!