Sau đây công ty luật FBLAW chúng tôi xin tư vấn cho quý khách về Đảm bảo sự tự nguyện thỏa thuận của các bên trong vấn đề tài sản trong thời kỳ hôn nhân như sau:
Trong trường hợp lựa chọn áp dụng chế độ tài sản (CĐTS) theo thỏa thuận thì vợ chồng có thể tự do thỏa thuận về cách thức xác định tài sản (TS), miễn là đúng không trái với quy định của pháp luật liên quan.
1.Giữa vợ và chồng không có TS riêng của vợ, chồng mà tất cả TS do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc TS chung.
Ưu điểm:
Khi chưa bước vào thời kỳ hôn nhân thì vợ, chồng là những người có TS và hoàn toàn tự do trong việc định đoạt TS của mình. Nhưng khi lập gia đình, vợ chồng bị ràng buộc với nhau bởi nhiều bổn phận, nghĩa vụ và quyền lợi. Lợi ích của họ hòa chung lại thành lợi ích gia đình.
Ngày nay trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa thì thì diện mạo gia đình thay đổi đáng kể. TS chung là thứ cần có để tạo điều kiện cho việc nhân danh lợi ích gia đình khi tham gia vào các giao dịch, đảm bảo sự tồn tại, duy trì và phát triển gia đình.
Nên vợ chồng sẽ thỏa thuận tất cả TS của cả hai có được trước hoặc trong thời kì hôn nhân đều là TS chung, mà không phụ thuộc vào công sức đóng góp nhiều hay ít và có lao động trực tiếp hay không.
Với tính chất hôn nhân là cùng chung ý chí, cùng chung công sức trong việc tạo nên khối TS nhằm xây dựng, đảm bảo cho gia đình thực hiện tốt các chức năng xã hội của nó như: phát triển kinh tế vững mạnh, sung túc, đầy đủ; tạo điều kiện tốt nhất cho việc nuôi dạy con cái. Nên vợ chồng luôn muốn đem tất cả những gì mình có để phục vụ cho nhu cầu chung, không muốn giữ làm của riêng, để cùng nhau tạo lập TS.
Điều này tạo ra sự bình đẳng, vợ hay chồng đều có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt TS. Từ đó, hạn chế trường hợp một trong hai bên có hành vi phá hoại khối TS chung.
Các giao dịch liên quan đến TS chung phải có sự thỏa thuận của cả hai vợ chồng, trừ những giao dịch đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Nó mang lại ý nghĩa xã hội sâu sắc, thể hiện sự đùm bọc, che chở, thương yêu giữa vợ và chồng. Mục đích hôn nhân được đảm bảo.
Hạn chế
Việc thỏa thuận tất cả TS đều thuộc sở hữu chung thì tài sản của cả hai vợ chồng sẽ hòa làm một, không có sự rạch ròi, trong hầu hết các giao dịch thì luôn bị phụ thuộc vào người còn lại.
Cuộc sống biến đổi khôn lường, không ai dám chắc sẽ không có cãi vã hay mâu thuẫn, khi mục đích hôn nhân không đạt được thì việc tranh chấp TS là điều không tránh khỏi. Lúc này nếu vợ chồng muốn chia TS chung trong thời kỳ hôn nhân hay ly hôn thì sẽ khó phân chia, gây mất thời gian, sứt mẻ tình cảm gia tăng, từ đó ảnh hưởng con cái.
Trong thực tế cuộc sống hôn nhân, có nhiều trường hợp một bên vợ hoặc chồng xuất hiện nghĩa vụ riêng, do không có TS riêng nên phải lấy tài sản từ khối tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ, từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi của người còn lại.
Bên cạnh đó, nếu không có sự kiểm soát tốt thì TS sẽ dễ bị thất thoát do một trong hai bên tham riêng.
Việc vợ chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh , sản xuất hàm chứa nhiều rủi ro, có thể dẫn đến việc tiêu tan tài sản, đặt cuộc sống gia đình vào tình thế bấp bênh.
=> CĐTS thỏa thuận là một nội dung khá mới mẻ, vì vậy việc áp dụng chưa được phổ biến. Xuất phát từ ý niệm của đa số người dân Việt Nam, mục đích hôn nhân là chung sống suốt đời. Vì vậy trên thực tế, hầu như TS trước và trong thời kỳ hôn nhân đều được đưa vào để phục vụ cuộc sống chung của gia đình dù có thỏa thuận hay không thỏa thuận. Việc phân định rạch ròi TS hầu như chỉ khi vợ chồng không đạt được mục đích chung sống nữa ( ly thân hoặc ly hôn).
2 Giữa vợ và chồng không có TS chung mà tất cả TS do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được TS đó;
Ưu điểm
Vợ chồng có quyền thỏa thuận tất cả TS do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được TS đó là phù hợp với chế định quyền sở hữu riêng về TS của công dân đã được Hiến pháp thừa nhận ( Điều 32 Hiến pháp 2013), phù hợp với nguyên tắc tự định đoạt TS của công dân trong Pháp luật dân sự,.
Đồng thời còn nhằm đảm bảo quyền đối với TS, tạo điều kiện cho vợ chồng tự chủ hơn trong việc quản lí tài chính hoạch định tương lai (thậm chí tương lai đó bao gồm cả việc li hôn). Qua đó tạo điều kiện cho vợ, chồng có thể thực hiện các nghĩa vụ về TS một cách độc lập, không phụ thuộc vào ý chí của bên kia, bảo đảm về quyền lợi của người thứ 3 là người có quyền.
Với chế độ tài sản này thì vấn đề tranh chấp tài sản sẽ hạn chế xảy ra vì tất cả là tài sản là tài sản riêng của mỗi người. Mỗi bên tự do quản lý và định đoạt các tài sản, thu nhập sau khi đã thực hiện nghĩa vụ đóng góp đối với đời sống chung, làm giảm thiểu xung đột vợ chồng.
Đảm bảo phù hợp với tình hình mới trong quan hệ hôn nhân với nhu cầu ngày càng cao trong việc chủ động đầu tư sản xuất kinh doanh để phát triển tài sản của bản thân, tạo điều kiện cho vợ chồng được tự do phát triển kinh tế.
Đây được xem là giải pháp hữu hiệu cho việc phân định và bảo vệ tài sản riêng của mỗi bên vợ và chồng trong điều kiện mà khối tài sản có trước hôn nhân của các cặp vợ chồng ngày càng tăng.
Ở một góc độ nhất định thì việc thỏa thuận tài sản trước khi kết hôn còn giúp thiết lập một quan hệ hôn nhân chân chính, vì một khi hôn ước như thế này được thảo ra thì ý định kết hôn với người có điều kiện kinh tế tốt để nhằm mục đích đổi đời, hay chiếm đoạt TS khó có thể thực hiện.
Khi hai bên lựa chọn sở hữu riêng thì sẽ bảo vệ được quyền và lợi ích khi người còn lại phát sinh nghiã vụ riêng.
Bên cạnh đó khi vợ chồng chung sống với nhau, họ có thể cùng nhau thỏa thuận trong việc “sử dụng TS riêng” của mỗi bên sao cho có thể khai thác được tốt nhất giá trị sử dụng của TS. Nhưng xuất phát từ việc bảo đảm cuộc sống chung của gia đình, quyền định đoạt TS riêng của vợ chồng có thể bị hạn chế trong một số trường hợp.
Hạn chế
Tuy nhiên, với truyền thống văn hóa của người phương đông, nhiều người quan niệm, việc phân biệt tài sản trước khi kết hôn sẽ làm mất đi tính cộng đồng trách nhiệm của hôn nhân. Sự rạch ròi về tài sản cũng vô tình tạo ra sự nghi ngại, ngăn cách giữa hai người khi họ quyết định kết hôn, thể hiện việc vợ chồng thiếu tin tưởng nhau, không có ý thức xây dựng cuộc sống gia đình bền vững.
Chế độ tài sản trong trường hợp này phản ánh sự đề cao lợi ích cá nhân. Điều này mâu thuẫn với bản chất của gia đình là “bổn phận và trách nhiệm”.
Độc lập về TS sẽ dẫn đến việc khó khăn trong việc đảm bảo, duy trì cuộc sống chung của gia đình.
Đối với nghĩa vụ riêng sẽ gây ra khó khăn cho một bên là người không có điều kiện.
Với những hạn chế trên thì sẽ không phù hợp với đối tượng là những người bình thường vì những người này có ít tài sản nên khi thực hiện các nghĩa vụ riêng sẽ chịu nhiều thiệt thòi
=>Nếu cả hai bên vợ chồng đều có chung quan điểm là việc lập hôn ước tài sản là cách sống hiện đại và tiến bộ thì điều này giúp củng cố vững chắc hơn quan hệ vợ chồng.
Như vậy với những ưu điểm trên cho ta thấy, đây là sự lựa chọn hợp lý nhất cho những cặp vợ chồng có nhiều tài sản riêng (đối tượng là những người có điều kiện kinh tế trước khi kết hôn) mà họ đều có khả năng quản lý. Hoặc những cặp vợ chồng làm nghề kinh doanh và họ cần tránh những rủi ro có thể xảy ra đối với gia đình do những thất bại. Mặt khác nó có thể đảm bảo được quyền lợi của họ về chiếm hữu, sử dụng, đinh đoạt tài sản của mình.
3.TS giữa vợ và chồng bao gồm TS chung và TS riêng của vợ, chồng
Việc vợ chồng thỏa thuận tài sản giữa vợ và chồng bao gồm TS chung và TS riêng sẽ có được ưu điểm của chế độ “sở hữu chung” và “sở hữu riêng”; đồng thời hạn chế được nhược điểm của 2 chế độ này.
Việc thỏa thuận tài sản trước khi kết hôn bảo đảm cho một cam kết hôn nhân thực sự,
Tránh sự trộn lẫn giữa TS chung và riêng như khi lựa chọn CĐTS pháp định, sẽ rất thuận lợi cho vợ, chồng khi có tranh chấp phát sinh
Hạn chế ly hôn, làm giảm thiểu sự tranh chấp TS sau ly hôn của các cặp vợ chồng trong tình hình hiện nay.
Thể hiện sự bình đẳng giới, quan tâm của các nhà làm luật đối với phụ nữ không chỉ trong xã hội mà còn ngay trong quan hệ hôn nhân.
=> Tóm gọn: Nhiều khuyến cáo cho rằng những người có tài sản lớn và lập gia đình lần hai trở đi nên lập hôn ước; và một người cần cân nhắc lập hôn ước trước khi kết hôn nếu sở hữu một cơ sở kinh doanh, bất động sản; dự đoán sẽ có một khoản thừa kế trong tương lai; thu nhập cao hơn nhiều so với người kia; có con từ các cuộc hôn nhân trước, có cha mẹ già phải nuôi dưỡng…
Trên đây là tư vấn của Công ty luật FBLAW chúng tôi về Đảm bảo sự tự nguyện thỏa thuận của các bên trong vấn đề tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Hỗ trợ tối đa cho khách hàng tại Nghệ An cũng như trên cả nước tất cả các vấn đề về hôn nhân gia đình.
Hãy đến với FBLAW chúng tôi để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất nhé!