Hiện nay, tình trạng người đang có vợ, có chồng kết hôn với người khác khi chưa ly hôn vẫn còn diễn ra trên thực tế. Vậy kết hôn với người khác khi chưa ly hôn là gì và bị xử lý như thế nào? Để làm rõ các thông tin này, Công ty luật FBLAW xin gửi tới Quý khách hàng bài viết sau đây. Nếu còn bất cứ thắc mắc, Quý khách hàng vui lòng liên hệ 0973.098.987 & 038.595.3737 để được tư vấn và hỗ trợ.
1. Kết hôn là gì?
Căn cứ vào khoản 5 Điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014:
Kết hôn được hiểu là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Theo đó, nam, nữ phải tuân theo các điều kiện kết hôn mà pháp luật quy định và được cơ quan có thẩm quyền công nhận thông qua trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn. Lúc này, giữa các bên nam nữ mới phát sinh quan hệ vợ chồng trước pháp luật.
>>> Xem thêm: Thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật hiện hành
2. Các điều kiện đăng ký kết hôn
Khoản 1 Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định:
Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
Theo đó, các trường hợp cấm kết hôn bao gồm:
– Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
-Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
– Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
Việc pháp luật quy định các điều kiện kết hôn có ý nghĩa quan trọng. Quy định trên giúp đảm bảo quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ hôn nhân. Qua đó, nhằm giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc và sự phát triển của xã hội.
3. Ly hôn là gì?
Căn cứ khoản 14 Điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014:
Ly hôn được hiểu là: “việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.
Như vậy, khi bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì quan hệ hôn nhân mới chấm dứt.
Ảnh minh họa
>>> Xem thêm: Thủ tục ly hôn nhanh tại Nghệ An
>>> Xem thêm: Chi phí khi ly hôn là bao nhiêu?
4. Kết hôn với người khác khi chưa ly hôn
Nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng là một trong những nguyên tắc cơ bản hàng đầu của chế độ hôn nhân và gia đình. Điều này đã được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 2 Luật HN&GĐ năm 2014:
“Cá nhân đã kết hôn chỉ được có một vợ hoặc một chồng; và trong thời kì hôn nhân không được kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác”.
Kết hôn với người khác khi chưa ly hôn là kết hôn trái pháp luật. Điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”.
Ví dụ:
Anh A và vợ là chị B đang ly thân và chưa hoàn tất thủ tục ly hôn. Tuy nhiên, trong thời gian này, anh A lại đi đăng ký kết hôn với chị X. Khi chưa có bản án, quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật thì anh A và chị B vẫn là vợ chồng và đang trong thời kỳ hôn nhân. Do đó, việc kết hôn giữa anh A – chị X là vi phạm quy định của pháp luật.
Theo khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, người đang có vợ hoặc chồng là người thuộc một trong các trường hợp:
– Người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nhưng chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết;
– Người xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước ngày 03-01-1987 mà chưa đăng ký kết hôn và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết;
– Người đã kết hôn với người khác vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình nhưng đã được Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết.
>>> Xem thêm: Thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
5. Xử lý hành vi kết hôn với người khác khi chưa ly hôn
Ảnh minh họa
5.1. Xử lý theo pháp luật hôn nhân và gia đình
Căn cứ tại khoản 2 Điều 10 Luật HN&GĐ năm 2014 , cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật nêu trên là:
– Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
– Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
– Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
– Hội liên hiệp phụ nữ.
Khoản 2 Điều 11 Luật HN&GĐ năm 2014 cũng nhấn mạnh:
“Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8, đồng thời lúc này hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì sẽ được Tòa án công nhận. Quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn”.
Khi hành vi kết hôn trái pháp luật trên bị hủy sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý quy định ở Điều 12 Luật HN&GĐ năm 2014. Cụ thể đó là hai bên buộc phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng. Việc kết hôn giữa cha, mẹ dù hợp pháp hay không cũng không ảnh hưởng đến quan hệ giữa cha, mẹ và con được xây dựng trên quan hệ máu mủ, nuôi dưỡng. Do đó, quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con cái sẽ được giải quyết theo quy định khi ly hôn.
>>> Xem thêm: Xử lý việc kết hôn trái pháp luật cập nhật mới nhất
5.2. Xử lý theo pháp luật hành chính
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì hành vi kết hôn với người khác khi chưa ly hôn sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng:
“Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ”.
5.3. Xử lý theo pháp luật hình sự
Hành vi kết hôn với người khác khi chưa ly hôn còn có thể bị xử lý hình sự. Điều 182 BLHS năm 2015 về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng quy định:
“Nếu người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
– Làm cho quan hệ hôn nhân của một bên hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Nếu làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát hoặc đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó thì có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
6. Trường hợp kết hôn với người khác khi chưa ly hôn vẫn hợp pháp
Trường hợp cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 đã có vợ hoặc chồng ở miền Nam sau đó lấy thêm vợ hoặc chồng ở miền Bắc thì cả hai cuộc hôn nhân đều được xem là hợp pháp. Đây được xem là trường hợp đặc biệt, là hậu quả do chiến tranh gây ra.
Theo Khoản 4 Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP:
“Đối với yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thuộc trường hợp cán bộ và bộ đội miền Nam tập kết ra miền Bắc từ năm 1954, đã có vợ, có chồng ở miền Nam mà lấy vợ, lấy chồng ở miền Bắc thì vẫn xử lý theo Thông tư số 60/TATC ngày 22-02-1978 của Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn giải quyết các trường hợp cán bộ, bộ đội trong Nam tập kết ra Bắc mà lấy vợ, lấy chồng khác”.
Căn cứ tại Thông tư số 60/1978/TT-TATC, phương hướng giải quyết chung đó là Tòa án nhân dân giải thích cho các bên nhận thức rõ được hoàn cảnh đặc biệt của đất nước và tình hình thực tế của gia đình họ. Mỗi bên suy nghĩ để tìm một giải pháp tốt nhất. Với trường hợp này, pháp luật cần được áp dụng một cách linh hoạt. Nếu cả hai người vợ đều muốn đoàn tụ, Tòa án sẽ khuyên họ tự giải quyết. Nếu không thể thống nhất ý kiến, Tòa án sẽ cân nhắc đưa ra hướng giải quyết phù hợp.
7. Kiến nghị trong công tác thực thi
– Triển khai số hóa thông tin cá nhân thay cho việc xác minh thông tin bằng thủ công.
– Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ chuyên trách.
– Chú trọng công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình. Đặc biệt chú trọng hơn ở những nơi có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
Ảnh minh họa
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề Kết hôn với người khác khi chưa ly hôn. Quý khách hàng vui lòng liên hệ ngay với Công ty luật FBLAW để được hỗ trợ.
Liên hệ với FBLAW theo thông tin sau:
- Điện thoại: 0973.098.987- 038.595.3737
- Fanpage: Công ty Luật FBLAW
- Trụ sở chính: 45 Đàm Văn Lễ, phường Trường Thi, Thành Phố Vinh, tỉnh Nghệ An